Xuyên suốt quá trình lịch sử, các nhà sử học đã ghi nhận của một vài ghi chép đối lập khá thú vị về quan niệm kinh nguyệt phụ nữ từ xưa. Tỉ như, triết học gia người La Mã cổ đại viết rằng, phụ nữ hành kinh ở trần thế để ngăn mưa đá và sấm sét, thậm chí đuổi côn trùng khỏi cây trồng. Trái lại, trong thần thoại của người Maya, kinh nguyệt lại bị xem là hình phạt dành cho nữ thần Mặt Trăng, Cho đến tận thế kỉ 20, đâu đó người ta vẫn còn cái nhìn khắt khe với kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Hôm nay, CNH Spotlight sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn đúng hơn về ‘bà dì’ – một bí mật xấu hổ hay một sự thay đổi sinh lý vô cùng bình thường ở con gái?
Kinh nguyệt là gì?
Về cơ bản, chu kỳ kinh nguyệt là giai đoạn đào thải, cơ chế nội tiết của phụ nữ được hình thành để bảo vệ vùng tử cung bằng cách dùng máu rửa trôi các phôi chết và trứng không được thụ tinh. Tuy một số người cho rằng nó là sự lãng phí chất dinh dưỡng hay sự bất tiện về mặt thể chất, nhưng kinh nguyệt bù lại giúp loại bỏ vô số nguy cơ tiềm ẩn như mệt mỏi, căng thẳng, cao huyết áp và các tình trạng tiểu đường, co giật.
Máu kinh nguyệt có bẩn không?
Trái với lầm tưởng của nhiều người, “rụng dâu” không phải và không nên bị coi là chất thải. Đừng đánh đồng máu kinh nguyệt với bất kỳ chất thải bài tiết nào khác của con người. Máu kinh không phải máu độc, nó gồm mô tử cung và niêm mạc tử cung hòa cùng một ít máu. Cho dù có nhiễm số lượng nhỏ vi khuẩn, máu kinh cũng nên được xem là máu bình thường hơn là chất bài tiết của con người.
Ảnh hưởng của “rụng dâu” tới phụ nữ
Như mọi cơn đau và tổn thương khác trên cơ thể, đau bụng kinh đôi lúc bị xem là một cơn ám ảnh của các bạn gái. Trong một vài trường hợp, cơn đau có thể liên miên âm ỉ và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thường nhật của 20% phụ nữ. Điều đó đã gây ra các hệ quả như suy giảm khả năng tập trung và khả năng vận động, tâm lý trở nên nhạy cảm hay luôn cảm thấy bất an và khó chịu trong người.
Nhưng đôi lúc, “bà dì” ấy không chỉ gây tác động tới bên trong cơ thể.
Khi những ánh mắt xấu hổ, ngại ngùng và lén lút vô thức hiện lên khi các bạn nữ “đến tháng”, khi những lời thì thầm to nhỏ với nhau về chủ đề vốn được coi là tế nhị này cứ liên tục phát ra từ người này đến người khác, đó chính là lúc sự đau đớn không chỉ dừng lại ở mặt thể chất. Qua năm tháng dài lâu, điều đó đã dần dần tạo lên một tiền đề xấu ảnh hưởng tới tâm lý các bé gái. Các em không dám nói ra khi gặp vấn đề, thậm chí hình thành một tư tưởng sai lệch về kinh nguyệt – một cái nhìn ghê tởm tới nó, hay còn quen thuộc hơn với cái tên “Period Shaming”.
“Đến tháng” là vấn đề tế nhị?
Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố toàn cầu rằng vệ sinh kinh nguyệt là một vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Với tính chất liên quan tới sức khỏe chung của cộng đồng, kinh nguyệt đáng lẽ không nên là chủ đề bị hắt hủi và né tránh đến thế. Khi bị chảy máu, người ta sẽ đau đớn và muốn được quan tâm chăm sóc. Nghịch lý thay khi cũng là nỗi đau “bị chảy máu”, nhiều khi phái nữ lại phải âm thầm chịu đựng nhiều ngày đêm mà chẳng dám hé nửa lời.
Điều tệ hơn là khi không chỉ phái nữ tin rằng kỳ kinh là nỗi xấu hổ
Rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi nhiều nữ sinh trung học (đặc biệt là trung học cơ sở) phát khóc khi bị trêu trọc bởi các bạn nam (đôi khi cả nữ) về chu kì sinh lí rất đỗi bình thường này. Có thể đơn giản là các bạn không hiểu và chỉ hùa vui, nhưng ở khía cạnh khác, có thể bạn thực sự tin rằng đây là điều gì đó đặc biệt đáng xấu hổ. Điều đó cũng được thể hiện khi hành động mua băng vệ sinh đối với các bạn nam là thứ gì đó “xa xỉ” và ngại ngùng.
Trong trường hợp xấu nhất, khi cả nam nữ đều vướng vào hiểu lầm về thứ kinh nguyệt họ cho là dơ bẩn, khi họ phải chịu áp lực từ bên ngoài và cả từ chính nội tâm xấu hổ của bản thân, bạn nữ sẽ dễ nảy sinh tâm lí chán ghét, thậm chí là căm thù giới tính của chính mình.
Kinh nguyệt không phải là một vấn đề tế nhị và đáng kiêng kị mà ta phải hạn chế nhắc tới. Đó chỉ là một cơ chế sinh lý hóa bình thường với hiệu quả nhằm cân bằng hormone và hệ quả là chảy máu kèm đau âm ỉ. Đây là đặc quyền nhưng cũng có thể là gánh nặng về mặt thể chất của phái nữ, nó đáng được cảm thông, săn sóc và nâng niu hơn là bị chế nhạo bởi những kẻ thiếu hiểu biết.
Trong một thế kỷ và thời đại mới, người con gái cần hành động vì bản thân để phá vỡ bầu không khí e ngại và những quan niệm lệch lạc về một trong những vấn đề sức khỏe của mình. Hãy dám lên tiếng khi cần và bình thường hóa những thứ vốn dĩ rất bình thường. Khi không còn những bao bì đen bọc băng vệ sinh, khi không còn phải lén lút truyền nhau “bông xốp” trong cặp, khi những quy luật bất thành văn bị phá vỡ, tự nhiên thế giới sẽ thấu hiểu hơn, trân trọng và đồng cảm hơn với bạn – vì phái nữ đáng được quan tâm, yêu thương những khi “đến ngày”.