Điểm số, từ trước đến nay vẫn luôn là câu chuyện muôn thuở đối với mọi người thời đi học. Sau cả một ngày mệt mỏi ở trường, câu đầu tiên mà một số bạn học sinh thường nhận được từ cha mẹ không phải là “Đi học mệt không?” mà là “Có đạt điểm cao không?”. Chính điều đó đã ít nhiều khiến chúng ta phải tự thắc mắc với bản thân: Điểm số có thực sự quan trọng?
Đã có bao giờ chúng ta cảm thấy bất lực và chán nản với bản thân khi nhận được điểm số không như mong đợi, hay thấy tự ti và kém cỏi khi bố mẹ lấy điểm số của bạn ra để so sánh với một nhân vật xuất chúng nổi tiếng trong truyền thuyết – “con nhà người ta”? Tất cả những cảm xúc tiêu cực ấy dường như đều bắt nguồn từ điểm số mà ra. Tuy nhiên, thay vì ghét bỏ và né tránh khi nhắc đến điểm số, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận chúng dưới một góc nhìn mới toàn diện hơn.
Những lợi ích không thể bàn cãi của điểm số
Một trong những luận điểm được đưa ra từ phần lớn phụ huynh học sinh chính là: Điểm số đặt ra cho ta một mục tiêu để phấn đấu. Việc này giúp cho chuyện học tập của học sinh bớt trì trệ vì suy cho cùng, chuyện học cũng gần giống chuyện làm bất kỳ công việc gì khác trong đời, phải có mục tiêu rõ ràng và hướng nhìn nhận tỉnh táo mới có thể phát triển hết khả năng và năng lực của bản thân.
Khi được hỏi về vấn đề này, quan điểm của bạn S. (Lớp 10 Sử) khá rõ ràng: “Điểm số có quan trọng chứ! Điểm số chính là thứ quyết định thái độ mọi người dành cho mình. Nếu mình bị điểm cao sẽ được nhiều bạn bè, thầy cô yêu quý hơn. Điều đấy khá là hiển nhiên mà.”
Đồng thời, điểm số cũng giúp chúng ta tạo được sự công bằng nhất định giữa học sinh. Nếu như không có điểm số, những học sinh cố gắng học tập và những ai chưa thực sự cố gắng sẽ không khác nhau là bao, và nó có thể gây nên tâm lý chán nản, không được thừa nhận ở những người dành nhiều tâm huyết cho việc học hành. Và suy cho cùng, nếu không được đánh giá bằng điểm số, liệu chúng ta có còn thấy hứng thú và quyết tâm trong chuyện học hành? Điểm số cũng đóng vai trò sàng lọc học sinh giỏi và học sinh chưa giỏi để các thầy cô có thể kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ và để các bạn thay đổi phương pháp học tập mới thật đúng đắn.
Điểm số có phải là một con dao hai lưỡi?
Mọi vấn đề đều có hai mặt của nó và điểm số không nằm ngoài quy luật này. Việc quá coi trọng điểm số có thể vô hình chung tạo áp lực lên con trẻ. Dẫu sao, các bậc cha mẹ làm vậy đều xuất phát từ sự quan tâm và tình thương dành cho con, nhưng sự quan tâm thái quá mà bị đặt sai chỗ đều gây phản tác dụng và khiến việc học dần biến thành gánh nặng hằng ngày chứ không còn là niềm vui nữa. Về lâu dài, những áp lực ấy có thể tích tụ dần dần lại và biến thành stress và nghiêm trọng hơn nữa là trầm cảm.
Giống như ông cha ta vẫn nói “Học tài thi phận”, điểm số không thực sự quyết định sự phấn đấu, cố gắng ở mỗi người, mà nó chỉ là một thước đo mang tính tương đối để chúng ta tham khảo.
Ý kiến về điểm số của bạn T. (lớp 11 Lý 1) khá là thoải mái: “Điểm số đâu có quan trọng. Cách mình kiếm được điểm số đấy mới là quan trọng. Không phải chúng ta vẫn hay nói ‘Học tài thi phận’ hay sao?”
Với thực trạng chạy đua thành tích không thể phủ nhận ở một số nơi như hiện nay, việc quá chú trọng đầu vào (điểm số) mà bỏ qua đầu ra có thể bóp méo ý nghĩa thật sự của việc học: Học để lấy kiến thức, để trang bị kĩ năng trước khi ra ngoài xã hội chứ không phải học chỉ để lấy một tầm bằng đẹp đẽ đem về đóng khung lồng kính treo trên tường mà quên đi năng lực thực tế của mỗi cá nhân.
Vậy, điểm số quan trọng hay không quan trọng?
Quan điểm của cô H. (một giáo viên trong trường) rất ngắn gọn nhưng có lẽ chính là câu trả lời hợp lý nhất để khép lại câu chuyện điểm số tưởng chừng như chưa có hồi kết này: “Cô thấy điểm số cũng quan trọng. Nó giúp phân loại và đánh giá học sinh. Nhưng khi chúng ta quá coi trọng nó thì lúc ấy điểm số sẽ trở nên tiêu cực và không tốt.”
Có rất nhiều những bàn cãi, quan điểm xoay quanh chuyện điểm số, nhưng điều chúng ta cần quan tâm nhất không phải là điểm số có quan trọng hay không, mà liệu mỗi chúng ta có đủ tỉnh táo trong việc nhìn nhận điểm số.
Đừng tự biến bản thân thành kẻ chạy theo thành tích, thành một người chỉ quan tâm đến những con số ghi trên bài kiểm tra, bởi xét cho cùng, như đã đề cập ở trên, điểm số cũng chỉ có thể đánh giá khả năng của bạn một cách tương đối.
Và để kết lại bài viết, tôi xin được trích dẫn một câu ngạn ngữ Hi Lạp: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào’’. Con đường học vấn chưa bao giờ là đơn giản nhưng lại mang đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm quý báu và đáng giá.
Hãy lấy điểm số ra làm động lực để đẩy ta đi xa hơn nữa trên con đường đầy chông gai ấy, và đừng bao giờ đánh mất niềm tin ở bản thân chỉ vì một con số, vì bạn có thể làm được nhiều thứ hơn bạn nghĩ nếu bạn luôn cố gắng hết khả năng của mình.