“Mình đẹp mà, mình có quyền”
Qua từng thời kỳ, trong mỗi xã hội khác nhau, tiêu chuẩn và cách chúng ta nhìn nhận về cái đẹp liên tục thay đổi, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi dù ở khoảng thời gian, không gian nào đi chăng nữa. Đó chính là đặc quyền của người đẹp. Thứ quyền lợi này chẳng biết xuất hiện từ bao giờ, xuất phát từ đâu, nhưng cứ thế len lỏi rồi in sâu vào tiềm thức của mỗi con người chúng ta, trở thành một lẽ “đương nhiên” của xã hội.
1. Pretty Privilege thật sự là gì?
Pretty Privilege, hay đặc quyền của cái đẹp, ám chỉ việc một người có ngoại hình ưa nhìn luôn nhận được những ưu thế mà những người bình thường chưa bao giờ nghĩ tới từ xã hội. Vốn là một xu hướng tự nhiên, con người, bao gồm cả chúng ta luôn dành cho những người đẹp, có vẻ ngoài ưa nhìn một cái nhìn thiện cảm, dịu dàng và kiên nhẫn hơn là dành cho những người bình thường khác.
Thứ quyền lợi này tồn tại như một khía cạnh nghiễm nhiên trong cuộc sống. Trong công việc, nghiên cứu cho thấy những người có ngoại hình bắt mắt luôn có cơ hội cao được tuyển dụng, được nhận mức lương cao hơn và dễ dàng thăng tiến lên những chức cao hơn. Trong các mối quan hệ, những người đẹp luôn nhận được nhiều cảm tình, sự tin tưởng và thiện chí từ người khác hơn từ lần đầu gặp gỡ, vì một niềm tin phổ biến rằng: “Những người có vẻ ngoài đẹp luôn là những người có tầm hồn đẹp.” Hay ở trên những trang mạng xã hội, những cá nhân có ngoại hình nổi bật luôn nhận được nhiều sự chú ý hơn, những bài viết của họ dù có nội dung như thế nào cũng sẽ nhận được một lượng tương tác “khủng”, thu hút nhiều lượt theo dõi.
Đây không còn là vấn đề của riêng một cá nhân nữa, mà trở thành của cả một xã hội. Nhiều người đánh đồng ngoại hình đẹp với những phẩm chất tốt đẹp khác như tự tin, tài năng hay thông minh, dù điều này không phải lúc nào cũng đúng.
2. Những bất công vô hình
Thứ quyền lợi “tự nhiên” này lại vô tình mang lại những tác động không nhỏ đến xã hội, đặc biệt là với phần còn lại của sự “tự nhiên” ấy. Pretty privilege làm thay đổi góc nhìn của xã hội về cái đẹp, cái đẹp giờ đây là sự hoàn hảo tuyệt đối không tì vết. Một người được coi là “đẹp” phải theo thứ tiêu chuẩn của một xã hội đặt ra, gạch bỏ hoàn toàn những đặc điểm cá nhân, cá tính riêng biệt của mỗi người, dần dà hình thành một thế giới “vô sắc”, tẻ nhạt và nhàm chán. Tiếp xúc lâu với thứ quyền lợi này, nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Liệu giá trị của mình có được quyết định bởi vẻ bề ngoài của bản thân, bởi cách người khác đối xử với mình hàng ngày?
Dần dà, điều này tạo nên một sự ám ảnh về ngoại hình – mỗi người đều đang cố gắng theo đuổi một tiêu chuẩn cái đẹp chung mà vô tình bỏ qua bản sắc cá nhân, đôi khi sẵn sàng đánh đổi cả sức khỏe của bản thân chỉ để trở nên ưa nhìn, bắt mắt phù hợp với tiêu chuẩn xã hội đề ra.
Quyền lợi ngoại hình cũng mang lại nhiều khó khăn mà những con người có ngoại hình không đẹp tiêu chuẩn phải đối mặt hàng ngày. Họ luôn nhận phải sự đối xử bất công dù là trong công việc hay là trong những mối quan hệ chỉ vì ngoại hình của mình. Trong mọi tình huống, họ luôn bị đánh giá thấp và nhận được rất ít sự tin tưởng hơn so với những người đẹp từ những người xung quanh. Điều này vô hình chung gieo trong sâu thẳm tâm trí họ một hạt giống nghi ngờ bản thân. Hạt giống ấy cứ thế mà đâm rễ sâu vào trong từng suy nghĩ của họ, hút lấy sự tự tin làm chất dinh dưỡng mà nảy mầm rồi lớn dần lên. Để rồi đến cuối cùng họ hoàn toàn mất niềm tin vào con người mình, trở thành một người tự ti, khó thay đổi để phát triển.
3. Một góc nhìn khác
Dù luôn được nhìn nhận là những con người được hưởng lợi, những con người xinh đẹp kia đôi khi lại phải chịu những nỗi khổ riêng do chính Pretty Privilege đem lại.
Vì những quyền lợi họ nhận được xuất phát từ ngoại hình bắt mắt, thế nên họ luôn chịu một áp lực vô hình từ phía xã hội, kỳ vọng họ giữ một vẻ ngoài hoàn mỹ. Họ luôn phải để ý đến bề ngoài, không thể để cho người khác thấy được vẻ ngoài “xuề xòa”, “xấu xí” của bản thân. Từ đó, vì luôn phải chạy theo việc gìn giữ một vẻ ngoài xinh đẹp phù hợp, họ bị hạn chế trong việc thể hiện phong cách, cá tính của bản thân, họ bị ngăn cản bởi xã hội khi muốn thử những phong cách mới, khác lạ với tiêu chuẩn.
Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với nỗi sợ bị đánh giá thấp những nỗ lực và tài năng của bản thân. Người ngoài chỉ nhìn vào vẻ ngoài hoàn mỹ của họ mà quên đi những giá trị bên trong; việc bị coi là một “bình hoa di động” đã trở thành chuyện thường ngày với họ, dù có cố gắng đến đâu cũng không thể chứng minh với tất cả mọi người thực lực của chính mình. Thật đáng buồn thay khi một chàng ca sĩ điển trai sẽ không bao giờ được đánh giá cao về giọng hát; một cô học sinh xinh xắn sẽ hiếm khi được đánh giá cao về khả năng học tập. Khi một người có vẻ ngoài thu hút đạt được một thành tựu quý báu, thay vì nhận được những lời khen ngợi, chúc mừng, họ lại phải nhận những ánh mắt nghi ngờ, những lời đàm tiếu vô căn cứ.
Đôi khi cái đẹp lại là một gánh nặng cho con người.
4. Vượt lên quyền lợi “tự nhiên”
Sự tồn tại của Pretty Privilege là không thể phủ nhận và có một sức ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội, không ai có thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Quyền lợi cái đẹp, dù có là người nhận “quyền lợi” hay không. Tác động của Pretty Privilege đến tiêu chuẩn cái đẹp đã và đang gây ra không ít đau khổ cho “người nhận” lẫn “người ngoài”. Vậy nên, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức rõ và đánh giá giá trị của một người thông qua tài năng, tính cách, năng lực của họ, thay vì chỉ nhìn vào vấn đề nhức nhối nhất: “Liệu “vỏ bọc” của họ có đủ hoàn hảo để sánh với tiêu chuẩn của xã hội?”
Mỗi cá nhân cũng cần biết cách trân trọng, yêu thương bản thân nhiều hơn, mặc cho người ngoài đánh giá mình là “xinh” hay “xấu”, “béo” hay “gầy”. Ta luôn đẹp nhất khi ta làm chính mình, tự tin ngẩng cao đầu đối mặt với mọi chuẩn mực xã hội.
Vậy nên ta đừng ngại bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân, từ đó, phát huy được tối đa sức mạnh nội tại để vượt qua mọi định kiến, tiêu chuẩn “hẹp hòi”, khẳng định bản thân, xây dựng một cuộc sống tự tin, ý nghĩa hơn cho mình, bạn nhé?