Khi hồn người vỡ tan thành trăm ngàn mảnh. Mảnh to, mảnh nhỏ cựa quậy, cứa lên hồn bé nhỏ và chật chội ấy những vết thương. Những vết thương không chảy máu, những vết thương không tím bầm, những vết thương hiện hữu trong tâm trí, chực chờ tuôn trào, quấn lấy, u ám che mờ trái tim người ta.
Có những vết thương không hiện hình, nhưng nỗi đau chúng mang đến dai dẳng và sâu sắc hơn bất kì vết thương thể xác nào.
1. Loạn
Chiếc ly vỡ nằm lặng lẽ trên bàn, từng mảnh sắc nhọn phản chiếu ánh sáng mờ nhạt, tựa như những ký ức đau đớn vụn vỡ trong tâm hồn con người. Mỗi mảnh vỡ là một lần bị tổn thương, mỗi vết nứt là một kỷ niệm đau đớn khắc sâu.
Vết nứt đầu tiên của chiếc ly – là lúc nỗi đau tâm hồn người bắt đầu thành hình, khi những nỗi đau chất chồng uất nghẹn trong lòng, cất lên thành những lời nói ngắt quãng chỉ mong được giãi bày những xiềng xích quấn chặt tâm trí. Thờ ơ rồi im lặng, tia sáng cuối cùng vụt tắt, xiềng xích càng siết chặt, hi vọng càng nhạt nhòa, chỉ còn vỏn vẹn một tâm hồn côi cút đơn độc ngóng chờ một lời thương, một câu hỏi, một ánh nhìn, một cái ôm, một sự quan tâm.
Vết nứt trên chiếc ly ngày càng lan rộng – tựa như những tổn thương trong tâm hồn người dần dần nhiều hơn, lúc họ đối diện với ánh nhìn ngờ vực của những người xung quanh khi những giọt nước mắt rơi lã chã một cách không tự chủ, thái độ ruồng rẫy khi nhìn thấy những vết sẹo chằng chịt trên cổ tay, văng vẳng bên tai những lời than… “Chỉ có ăn với học mà cũng stress là sao?”, “Suốt ngày cười mà cũng biết bệnh à, hay giả vờ?”,…
Chiếc ly vỡ, những áp lực đè nén lên đến đỉnh đã vỡ òa khi tiếng bàn tán xôn xao về vết sẹo giấu kín dưới lớp áo dài tay, những lời bỡn cợt về sự trầm mặc khác thường, mỗi ánh nhìn nghi hoặc châm biếm đều siết chặt những xiềng xích tâm hồn, cứa vào tâm trí những nỗi đau không thành lời.
Người ta nhìn chiếc ly vỡ với sự thờ ơ, đôi khi trách móc vì nó không còn hoàn hảo, mà quên rằng chính sự vô tâm của mình đã khiến nó tan nát. Nhưng dù có cố gắng ghép lại, chiếc ly ấy vẫn không bao giờ trở về nguyên dạng, những vết nứt vẫn còn đó, âm thầm kể lại câu chuyện của nó.
2. Ảo
Từng mảnh sắc nhọn – tàn tích của chiếc ly tâm hồn tan vỡ là dấu tích của những tổn thương.
Đó là dấu tích của những lần self-harm, mỗi vết rạch như một nỗ lực đầy tuyệt vọng để giải thoát nỗi đau bên trong, khi chỉ còn những nỗi đau xác thịt mới có thể khiến họ giải tỏa những bức bối trong lòng. Họ tự cầm lên những mảnh vỡ ấy, ép chặt vào lòng bàn tay, vừa muốn cảm nhận, vừa muốn quên đi, để máu thấm qua da như minh chứng rằng họ vẫn còn cảm xúc, dù chỉ là đau đớn.
Dẫu thân xác chi chít những vết rạch, vết bầm; tâm hồn họ vẫn ngập tràn những nỗi đau không ngơi nghỉ, như bóng tối nuốt chửng lấy mọi thứ. Nhưng chính họ cũng sợ hãi khi nhìn chiếc ly – nhìn chính mình rạn nứt, mờ mịt bởi lớp bụi của những âu lo và suy nghĩ tiêu cực. Mỗi ý nghĩ lặp đi lặp lại như một chiếc búa vô hình, không ngừng đập xuống, nghiền nát chút ít hy vọng còn sót lại. Những suy nghĩ mịt mù, quẩn quanh đầy nỗi đau, những lời tự trách cứ bản thân, những lưỡi dao ngôn từ không ngừng đảo loạn trong tâm trí, trở thành những dòng cảm xúc tiêu cực siết chảy không ngừng.
Vết thương đâu phải máu thành dòng,
Âm thầm nứt vỡ giữa đêm thâu.
Lời đau chưa phát thành tiếng khóc,
Mà hồn đã héo, tim đã sầu.
Vết sẹo ẩn mình trong tim lạnh,
Mỗi khi nhớ lại, khẽ quặn đau.
Lặng nghe tiếng lòng đang gào thét,
Hồn vỡ trong đêm tối không màu.
3. Bình
Song, những mảnh vỡ ấy không phải không có cách nào ghép lại hoàn chỉnh. Nơi xứ Phù Tang xa xôi, bộ môn nghệ thuật Kintsugi với khả năng gắn kết các mảnh sứ vỡ của đồ vật bằng vàng đun chảy, biến vết nứt trở thành những đường nét độc đáo tôn vinh sự đổ vỡ như một phần vẻ đẹp của lịch sử mà nó đã trải qua. Nghệ thuật hàn gắn tâm hồn cũng giống như việc ghép nối những mảnh vỡ, nơi từng vết nứt được chăm chút để tạo thành một bức tranh mới, tỏa sáng với vẻ đẹp độc đáo và sâu sắc hơn những dấu ấn xưa cũ. Sự trân trọng, thấu hiểu, bao dung và đồng cảm chính là thứ “vàng” quý báu có khả năng gắn lại những mảnh vỡ một cách chỉn chu nhất. Một cái ôm, một lời tâm sự vỗ về, một chút quan tâm thái độ và những thay đổi bé nhỏ là một niềm an ủi lớn đối với những người mang những gánh nặng tâm lí, cũng là khi những mảnh vỡ dần được gắn lại thành hình. Những vết sẹo tâm hồn, nếu được nâng niu và trân trọng, có thể trở thành dấu ấn đẹp đẽ biểu trưng cho một hành trình mạnh mẽ và kiên cường.
Nhưng, một chiếc ly vỡ để có thể gắn lại, không chỉ là những tác động khéo léo bên ngoài, mà bản thân chúng cũng cần có sự “tự chữa lành”. Nếu những mảnh vỡ ấy tan hòa thành bụi, nhỏ bé đến mức không thể cầm, nắm, thì thứ “vàng” đắt giá nhất cũng không có khả năng gắn kết chúng lại với nhau. Bởi vậy, sức mạnh nội lực của chiếc ly – sức mạnh nội tại trong tâm hồn – là yếu tố quan trọng quyết định nên sự kết nối lại những mảnh vỡ trong nội tâm, thành hình một vẻ đẹp với những trầm tích xưa cũ của nỗi đau.
Rộng mở con tim, chạm vào nỗi đau bằng sự đồng cảm để hiểu điều mình cần, mình muốn là nắm bắt lấy cơ hội hồi sinh một cuộc đời, một hạnh phúc.
4. Tâm
Tâm hồn mỗi người tựa như một chiếc ly, trên đời tồn tại hàng triệu triệu những chiếc ly như thế, mỗi chiếc ly mang sắc màu, dáng hình riêng… Nhưng không phải chiếc ly nào cũng nguyên vẹn. Có những chiếc ly nứt, mẻ, hoặc chứa đầy cặn đục như những tâm hồn đang chịu đựng sự tổn thương từ bên trong. Một số chiếc ly chờ đợi bàn tay nhẹ nhàng lau chùi, một số cần sự kiên nhẫn để hàn gắn, và một số khác chỉ mong được thấu hiểu rằng, dù không hoàn hảo, chúng vẫn có giá trị. Hãy lắng nghe bằng một trái tim rộng mở, để cảm nhận những âm thanh vang vọng và hòa mình vào những cung bậc cảm xúc, những nỗi đau, những vết thương lòng, những dấu sẹo… Một nỗi đau, chia nhỏ, tan biến.