Giống như một đóa hoa ngày ngày đều phải sống thật kiên cường dưới nắng và gió, mỗi một chúng ta từng giờ từng phút cũng phải gồng mình để tồn tại với những lời phán xét. Từ ngoại hình, cách ăn mặc, ứng xử cho đến những chiếc story trên facebook, instagram đều có thể trở thành thứ để mọi người bàn tán. Và hệ quả của những lời lẽ đi kèm thường không dễ chịu gì. Thế nhưng cũng có một vài người cho rằng, sống trong một xã hội xuống cấp về mặt nhân đạo thì việc phán xét cũng giống như hít thở mà thôi, rất tự nhiên mà sinh ra, thậm chí còn là cách để nhìn nhận các vấn đề theo nhiều hướng hơn. Vậy theo bạn, phán xét là lợi hay hại? Cùng đồng hành với CNH Spotlight để tự có câu trả lời của bản thân nhé!
I. Bản năng không có lỗi
Phán xét là gì?
Từ khi sinh ra, thói “phán xét” đã trở thành một bản năng có thể đặt ngang hàng với những nhu cầu thường thức nhất như ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi. Tại sao như vậy? Trước nhất, “phán xét” có thể hiểu, đó là cách một người “nhìn” các vấn đề, là cách cảm, cách hiểu và cũng là để nêu ra những quan điểm cá nhân. Đây là một ham muốn rất đơn thuần, dễ hiểu và nguyên thủy của con người. Thế nhưng, không giống như việc “quan sát”, hai tiếng “phán xét” vẫn luôn mang tính tiêu cực.
Phán xét thường được nhìn bằng đôi mắt phiến diện nhiều hơn. Chẳng hạn có một chuyện tình nọ, một chuyện tình đã đổ vỡ. Ta không là họ, cũng không phải là nhân vật “cái cây” trong câu chuyện ấy, thế nhưng lại vô tư phỏng đoán, đặt điều xôn xao. Đấy chính là thói phán xét từ trong bản năng chứ đâu?
Đây là một bản năng, không thể trách. Nhưng buông thả cho nó lớn dần và mất kiểm soát lại chính là một tội ác không thể dung thứ.
II. Khởi điểm của những phán xét
Bạn có từng là “stalker” hay được bạn bè đặt cho biệt danh “chúa tể cap màn hình”? Xin chúc mừng bạn, một kẻ phán xét đầy tiềm năng!
Ngày nay, mỗi người đều phải sở hữu ít nhất một tài khoản facebook, instagram hay twitter để cập nhật tin tức và chia sẻ những khoảnh khắc của bản thân. Được sống trọn vẹn mỗi ngày là một mơ ước, ai mà chẳng muốn những kỉ niệm lâu lâu lại được nhắc lại, nên việc up một chiếc status tâm trạng, story đi chơi, ăn những món ngon là một điều rất thường nhật.
Nhưng có lẽ bạn đang mất cảnh giác, đằng sau lượt tương tác với các icon được thả kia là “những kẻ phán xét” đang rình mò để nói xấu, bàn tán về bạn. Bất kể bạn là ai, bạn làm gì, ở đâu vẫn sẽ luôn có những lời không hay đeo bám dai dẳng. Mạng xã hội bống hóa thành một nơi nguy hiểm khôn lường. Từ những việc nhỏ không đáng kể, qua miệng người này, rồi truyền đến tai người lại trở thành một câu chuyện hoàn toàn khác. Từ ấy trở thành vũng bùn lầy trói buộc bạn trong nỗi sợ hãi vô hình.
“Trên mạng làm trò đấy chắc ngoài đời ăn ở cũng chẳng tốt đẹp gì”.
“Nói năng gì mà độp chát, chắc cư xử với người khác cũng láo với hãm lắm!”
“Trang cá nhân gì mà toàn chửi bậy, còn dám chê tác phẩm X, chị Y, anh Z, giỏi bằng người ta chưa mà dám lên tiếng?”.
Mạng xã hội là chốn muôn hình vạn trạng, vốn dĩ nó không thể đánh giá được một con người toàn diện nhưng lại có rất nhiều kẻ lợi dụng nó để đặt điều, nói xấu và quy ra cả một con người mà họ chỉ mới nhìn qua vài chiếc story.
III. Nạn nhân của kẻ 1001 khuôn mặt
Nạn nhân: 1.
Kẻ “phán xét”: 1001 (không rõ danh tính)
Kẻ phán xét có tới 1001 khuôn mặt, nhưng ta không bao giờ biết chắc chắn đó là ai. Ngược lại, nạn nhân lại có thể là bất kì ai, nhưng sẽ chỉ có một mình, phải đối chọi với những kẻ không-bao-giờ-biết-hài-lòng ngoài kia. Nếu bạn không nổi tiếng trên mạng xã hội, thậm chí là không có tăm hơi trên mạng xã hội, họ vẫn sẽ tìm ra bạn, dựa vào những khiếm khuyết, tin đồn để buông lời phán xét.
Ai cũng đã từng là nạn nhân của những lời độc địa, nhưng không phải ai cũng đủ tự tin để khẳng định rằng mình chưa bao giờ đi phán xét hay soi mói người khác.
Hãy nghĩ đến những cảm nhận khi trở thành đối tượng đen? Vậy tại sao chúng ta vẫn còn thấy những lời phán xét như thế?
IV. Hệ quả
Tại sao ta lại đi phán xét? Tại sao ta lại làm tổn thương họ? Chính ta cũng đã từng trải qua cảm giác đau đớn kia mà? Tại sao lại quàng cái dây mình không muốn lên người khác cơ chứ?
“Vì ghét”
“Vì nó xứng đáng”
Không có bất kì một lí do nào có thể bao biện cho việc phán xét. Dẫu nó có là một bản năng đi chăng nữa, nhưng làm tổn thương một con người vì bất kì lí do nào cũng đều là không chính đáng.
Không chỉ có những thương tổn về mặt tinh thần, nạn nhân của những lời phán xét có thể bị ám ảnh và luôn lưu lại một vết thương cả đời, thậm chí là sau đó, họ sẽ còn tổn thương cả chính mình.
V. Nên hay không?
Phán xét vốn là một loại thói đời khó bỏ, giống như một hố đen luôn âm ỉ trong trái tim, ta sẽ không bao giờ biết được làm thế nào để kìm nén, hay băn khoăn giữa việc bỏ hay giữ lại.
Được nhìn cuộc sống hay những tin đồn theo các hướng khác nhau chẳng phải vẫn là lợi thế hay sao? Nhưng như đã nói ở trên, phán xét không đem lại nhiều những lợi ích tích cực, trái lại nếu như quá buông thả cho thói quen này sẽ dễ dẫn đến việc chúng ta làm tổn thương người khác, và cũng có thể tổn thương chính mình.
Có nên giữ lại hay không?
Phán xét không xấu nếu như biết phán xét đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ. Nhưng nếu như lời phán xét là để làm tổn thương người khác, nuôi dưỡng lòng nghi hoặc hoặc thậm chí biến mình trở thành “kẻ xấu tính” thì liệu có nên giữ lại hay không? Câu trả lời nằm ở bạn!
Hãy mở lòng và nhìn cuộc sống bằng đôi mắt bao dung hơn!