“Không có lửa làm sao có khói?”, “Mày không làm gì nó thì sao nó đánh mày?”, “Ăn mặc thế kia thì bảo sao”,… Đó là những câu nói, những bình luận vô tư và không kém phần thuyết phục dưới những tin bài về tội ác nào đó. Nhưng nạn nhân có thực sự là nguyên nhân của những tội ác ấy? Tại sao người ta không lên án kẻ phạm tội? Phải chăng xã hội đang cố gắng kiếm tìm sự “công bằng”?
Nạn nhân có tội = Xã hội công bằng?
Khi một tội ác xảy ra, một kẻ xấu xuất hiện, nó khiến người ta cảm thấy thế giới thật đen tối và xấu xí. Nhưng người ta không muốn thấy thế giới như vậy – họ muốn một thế giới công bằng, nơi người tốt được đền đáp và kẻ xấu bị trừng trị. Và thế là họ chọn cách đổ lỗi cho nạn nhân. Bằng cách đó, họ tự trấn an bản thân rằng những điều xấu sẽ không bao giờ xảy ra với họ, miễn là họ không làm gì sai. Một cô gái bị hiếp dâm chắc chắn là do cô ta ăn mặc gợi cảm, một anh chàng bị móc túi chắc chắn là do anh ta cất đồ không cẩn thận… Tất cả đều xuất phát từ nạn nhân. Việc xấu chỉ xảy ra với người xấu. Cuộc sống này công bằng.
Thứ a-xít đang ăn mòn xã hội
Nạn nhân là người trải qua và hứng chịu tất cả. Bản thân họ đã phải chịu đựng nhiều đau đớn về thể xác hoặc tinh thần, hoặc cả hai. Sự chỉ trích, dè bỉu của xã hội càng khiến họ thêm căng thẳng, sợ hãi và tuyệt vọng. Lâu ngày họ sẽ có xu hướng tin rằng bản thân thực sự có lỗi, không dám tố cáo những kẻ gây án trong tương lai vì sợ áp lực từ dư luận… Và thế là kẻ xấu cứ thế rời đi, không phải chịu trách nhiệm hay trả giá cho tội ác của mình. Xã hội vẫn bao chứa trong nó những kẻ xấu. Những kẻ xấu ấy vẫn tiếp tục gây án, tiếp tục giết chết xã hội.
Cái ác không bị trừng trị – một điều đáng buồn. Nhưng đau lòng hơn, nhiều nạn nhân không chịu nổi sự đàm tiếu, ánh nhìn soi mói của người đời, đã gặp phải các vấn đề tâm lí như trầm cảm, rối loạn nhân cách, hay thậm chí là tìm đến cái chết.
Kẻ gây án là kẻ có tội
Bạn không có lỗi khi mặc những gì bạn thích.
Bạn không có lỗi khi đi chơi đến 11 giờ đêm.
Bạn không có lỗi khi đứng lên bảo vệ người khác khỏi những tên bắt nạt.
…..
Dù người ta có nói gì về bạn, bạn vẫn không có lỗi. Vì vậy, hãy luôn bình tĩnh, lạc quan, mạnh mẽ vượt qua quãng thời gian khó khăn, yêu thương bản thân và không ngừng đấu tranh cho chính mình. Sau cơn mưa trời lại sáng. Người ta nói chán thì cũng thôi.
Lỗi là ở những kẻ vô lương tâm, vô đạo đức. Chúng mới là những người đáng bị lên án, bị trừng trị, bị dè bỉu và phải xấu hổ.
Đổ lỗi cho nạn nhân không thay đổi sự thật rằng điều xấu có thể xảy đến với bất cứ ai, bất kể tốt hay xấu. Nạn nhân cần được quan tâm, giúp đỡ và kẻ xấu phải bị lên án. Hãy dừng việc đổ lỗi cho nạn nhân.