Có người từng nói rằng: “Trong khoa học, thiên tài chẳng khác gì nhà hàng hải dũng cảm đi tìm và khám phá những lĩnh vực chưa ai biết đến”. Quả đúng như vậy, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ đang đóng vai trò như những nhà hàng hải đi khám phá các chân trời mới. Những nhà khoa học trẻ chúng mình muốn nhắc tới chính là Nguyễn Đình Hiếu (K72 Lý 1) với Huy chương Bạc IJSO 2019 (Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2019) và Trần Đức Kiên, Nguyễn Hoàng Minh, Đỗ Quang Long (K72 Lý 1) cùng giải Nhất cuộc thi “Cùng bạn kiến tạo tương lai – Solve for Tomorrow”. Các bạn là niềm tự hào của THPT Chuyên Nguyễn Huệ nói chung và Chuyên Lý của trường nói riêng. Sau đây, hãy cùng CNH Spotlight trò chuyện với những người bạn chuyên Lý vô cùng tài giỏi nhưng cũng không kém phần đáng yêu này nhé.

(Từ trái sang) Nguyễn Hoàng Minh, Đỗ Quang Long, Nguyễn Đình Hiếu (K72 Lý 1)

Điều gì đã “xe duyên” cho bạn và Vật Lý?

Đình Hiếu: “Ban đầu mình có ý định vào chuyên Toán nhưng đáng tiếc rằng mình đã không thể theo đuổi môn học đó. Đổi lại, mình học Lý khá ổn và đã đỗ chuyên Lý.”

Hoàng Minh: “Mình thấy Vật Lý là một môn rất thú vị. Trong Vật Lý, mọi thứ đều tương đối và điều đó gần giống cách sống của mình.”

Quang Long: “Phần lớn gia đình mình học chuyên nên mình cũng quyết tâm đỗ chuyên. Khi ấy, môn mình giỏi nhất là Lý.”

Ngoài chuyên Lý, các bạn còn “chuyên” gì khác không?

Hoàng Minh: “Mỗi khi có thời gian rảnh, mình thường đi chụp ảnh và chơi violin.”

Đình Hiếu: “Mình rất thích chơi các loại nhạc cụ, mình đã chơi piano được 2 năm. Bên cạnh đó mình còn thích hát nữa. Nếu nói về các môn học khác thì kể từ sau cuộc thi IJSO, mình có thêm niềm hứng thú mãnh liệt với tổ hợp Toán – Lý – Hóa.”

Quang Long: “Ở nhà, mình có sở thích lắp ráp mô hình. Khi hoàn thành, mình thường mang đến lớp để chơi cùng các bạn.”

Đã 1 năm kể từ khi Đình Hiếu đạt Huy chương Bạc trong cuộc thi IJSO, bây giờ khi nhớ lại cuộc thi ấy, bạn có cảm xúc gì?

Đình Hiếu bồi hồi nhớ lại quãng thời gian thi IJSO

Đình Hiếu chia sẻ: “Đến bây giờ, khi nghĩ lại về khoảng thời gian ôn luyện IJSO, mình vẫn cảm thấy cuộc thi ấy rất khó vì lượng kiến thức cần học vô cùng lớn. Bên cạnh đó, mình còn phải làm quen với môi trường, thầy cô, bạn bè ở trường Amsterdam. Tuy ban đầu mình có hơi đuối, nhưng sau đó đã đuổi kịp các bạn.”

3 từ các bạn muốn dùng để miêu tả hành trình chạm đến chiến thắng của mình?

Hoàng Minh và Quang Long: “Làm việc nhóm, khả năng tự học và tự tin.”

Đình Hiếu: “May mắn, tò mò, thích nghi.”

Động lực lớn nhất của các bạn khi tham gia cuộc thi là gì?

Đỗ Quang Long (K72 Lý 1)

Quang Long: “Mình có dự định du học trong tương lai. Do đó, việc tham gia cuộc thi giúp mình cải thiện bản thân, đặc biệt là sự tự tin.”

Hoàng Minh: “Bên cạnh động lực về vật chất, động lực về tinh thần đã giúp mình rất nhiều. Cuộc thi giúp mình thỏa mãn trí tò mò, cho mình những kiến thức mà mình không được học ở trường.”

Đình Hiếu: “Chính quy mô vô cùng lớn của cuộc thi đã thúc đẩy mình cố gắng không ngừng để có mặt trong lễ trao giải. Cũng từ cuộc thi này, mình biết thêm nhiều kiến thức mà mình sẽ không bao giờ được học nếu không tham gia thi.”

Trong hành trình ấy, ai là người luôn ở bên cạnh và động viên các bạn?

Quang Long và Hoàng Minh: “Trước hết, mình nhận được sự cổ vũ từ bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Đặc biệt hơn cả,mình còn có sự động viên rất lớn từ thầy hướng dẫn. Nếu không có thầy, phần trình bày sản phẩm của nhóm chúng mình sẽ không thể tuyệt vời như thế.”

Thầy cô và gia đình luôn là động lực lớn nhất

Đình Hiếu: “Động lực lớn nhất chính là bản thân mình. Sau đó, mình phải kể đến sự giúp đỡ về kiến thức vô cùng lớn lao từ thầy cô. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến bố mẹ và bạn bè luôn ủng hộ động viên và giúp đỡ mình với những việc hậu cần. Khi ấy, mình cảm nhận được sự hỗ trợ về tinh thần từ mọi người.”

Trong quá trình tham gia cuộc thi, lợi thế và bất lợi lớn nhất của các bạn là gì?

Đình Hiếu: “Lợi thế lớn nhất của mình chính là được các thầy cô chú ý, quan tâm nhiều. Vì vậy, mình được củng cố kiến thức chuyên môn và luyện tập nhiều hơn để có được sự chuẩn bị tốt nhất. Còn bất lợi lớn nhất có lẽ là phải thay đổi môi trường học tập. Mình phải học và tiếp xúc với những người mà mình không quen biết từ trước. Các thầy cô ở đó không biết được chính xác trình độ của mình ở đâu, và đôi khi chỉ giảng qua về những phần mà mình chưa biết, nhưng các bạn khác đã biết. Bất lợi cuối cùng chính là mình phải xa các bạn trong lớp 11 Lí 1 – niềm động viên tinh thần của mình. Vậy nên, mình đã tốn một khoảng thời gian đầu tiên để thích nghi với tất cả những thay đổi đó.”

Hoàng Minh: “Tham gia một cuộc thi mà để lập trình được một xe robot như vậy, mình phải học thêm rất nhiều kiến thức ngoài sách vở. Lợi thế của việc này là mình có thể mở mang đầu óc, được tiếp xúc với những thứ mà mình chưa từng học trên trường lớp. Nhưng đồng thời, đây cũng là một bất lợi khá lớn cho mình, cũng như với đội thi. Việc phải tiếp thu những kiến thức chuyên sâu trong khoảng thời gian ngắn khá là khó khăn với bọn mình”.

Nguyễn Hoàng Minh (K72 Lý 1)

Quang Long: “Vì cùng học một lớp và còn tham gia thi cùng nhau nên lợi thế lớn nhất chính là bọn mình có thể trao đổi và có nhiều thời gian để gặp gỡ, bàn bạc cho cuộc thi. Bên cạnh đó, bọn mình còn có một thầy giáo rất giỏi, luôn bên cạnh tận tình chỉ bảo và quan tâm bọn mình. Và đối với mình, việc phải học những kiến thức mới cũng là điều khó khăn nhất.”

Cả hai cuộc thi đều có quy mô rất lớn, quy tụ những gương mặt ưu tú nhất. Các bạn có gặp áp lực gì khi tham gia một sân chơi lớn như vậy không?

Đình Hiếu: “Khác với những cuộc thi cấp trường, áp lực khi tham gia IJSO là khá lớn. Ban đầu mình không nghĩ là sẽ đạt được giải cao như vậy, nhưng vẫn luôn hy vọng. Vì vậy, đó như một áp lực đè nén lên vai mình.”

Quang Long: “Ngoài áp lực về việc phải đạt được giải, mình bị áp lực từ mọi người xung quanh. Vì khi ấy, tất cả đều kỳ vọng vào bọn mình và mình rất buồn nếu khiến mọi người thất vọng”

Hoàng Minh: “Một cuộc thi lớn đi kèm với nhiều áp lực lớn. Mình đã đầu tư rất nhiều cho cuộc thi nên áp lực về việc phải đạt được giải là khá cao. Đồng thời, trước một cuộc thi mà mọi người có trình độ tương đương, mình đã vô tình tự tạo ra áp lực rằng phải thể hiện bản thân, phải khẳng định được mình giỏi hơn họ” .

Kỷ niệm nào khi tham gia cuộc thi mà các bạn sẽ không bao giờ quên?

Quang Long: “Kỷ niệm mình nhớ nhất là khoảnh khắc chúng mình lên sân khấu trình bày. Lần đầu tiên đứng trên một sân khấu lớn như vậy, mình khá lo lắng và có chút sợ hãi khi được rất nhiều người theo dõi.”

Hoàng Minh: “Có một kỷ niệm mà mình rất nhớ trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thi. Tối hôm ấy, pin của xe robot bị hỏng. Và dù ở xa, bạn cầm xe robot ấy đã phải đến tận nhà thầy (mất 2 tiếng đi lại) để lấy được 2 viên pin thay thế. Lúc đấy bọn mình khá cuống, nhưng rất may là đã giải quyết được một cách suôn sẻ và nó trở thành một kí ức khó phai.”

Đình Hiếu: “Thời gian mà mình xa bạn bè để chuẩn bị cho cuộc thi khá là dài. Vào hôm mà mình biết tin sẽ được đi thi IJSO, mình đã rất vui, và các bạn đều chúc mừng mình rất nhiều. Ngay tối hôm đó, mình đã bị kick khỏi nhóm của lớp. Mọi người muốn mình tập trung 100% vào cuộc thi. Ban đầu mình cảm thấy buồn vì không còn ai để chia sẻ, để tâm sự về những thay đổi mới,… Mình cảm thấy khá cô đơn. Nhưng càng về sau, mọi thứ dần ổn hơn, và đây chính là điều mình nhớ nhất!”

Người ta thường nói trong cuộc sống, các nhà khoa học hay nhà phát minh phải có cái “điên” trong người mới có thể dành ra hàng giờ để thử nghiệm và sáng chế. vậy các bạn có thấy trong mình cũng có cái “điên” đó không?

Đình Hiếu: “Đối với mình, sự thích thú khi làm thí nghiệm đến từ thành quả mình sẽ đạt tới cũng như những sự việc mà mình phải trải qua để đạt được thành quả ấy. Đó sẽ là một câu chuyện hấp dẫn để khoe, để kể với mọi người xung quanh. cả niềm vui khi mình giải quyết được những vấn đề khó khăn đến mức phải nhờ thầy cô và giáo sư, đó là sự thích thú, đam mê, điên rồ khi mình chú tâm làm thí nghiệm.”

Hoàng Minh: “Không điên sao mà ra nghệ thuật được?”

Quang Long: “Cái “điên” ấy mình thấy hơi sai. đối với người ngoài đó có thể gọi là “điên” thật, nhưng với mình, việc tốn hàng giờ hay hàng nghìn giờ để làm thí nghiệm chỉ đơn giản vì mình thấy thích thú, không phải do mình suy nghĩ khác thường hơn so với mọi người.”

Đối với đội thi ba người, các bạn có dự định gì trong tương lai với phát minh của mình không?

“Sau khi thảo luận, các thầy cô đã quyết định giúp chúng mình trở thành một nhóm khởi nghiệp trẻ để đi thi. Bọn mình hiện tại vẫn cân nhắc về chuyện cải tiến chiếc xe lên để có thể đem nó đi khởi nghiệp, hoặc tham gia vào một cuộc thi lớn hơn.”

Các bạn có lời khuyên gì dành cho các K73 và các em khóa sau cũng có niềm mơ ước và khát vọng như bạn?

Đình Hiếu: “Đầu tiên là đừng bao giờ từ bỏ. Trong một lần thi loại trừ trước khi là thành viên chính thức của đội quốc gia, mình đã làm bài không thực sự tốt. Thế nhưng mình vẫn tiếp tục cố gắng. Nếu mình từ bỏ, không làm phần thi tiếp theo thì sẽ không bao giờ có mình ở hiện tại. Không có cố gắng nào là không có thành quả, thế nên đừng từ bỏ.”

Quang Long: “Hãy cứ thử để biết, và đừng quên tự tin. Lúc đầu mình cũng rất sợ, nhưng sau một thời gian học tập và ôn luyện thì mình nhận ra, nó cũng không đáng sợ như mình nghĩ.”

Chúc mừng các nhà khoa học trẻ tài năng!

Cảm ơn ba bạn đã dành thời gian chia sẻ với CNH Spotlight câu chuyện về thành công của mình. Chúc các bạn luôn vui vẻ, gặt hái được nhiều thành công trên bất cứ con đường nào mà các bạn chọn. Thầy cô và CNH-ers tự hào về các bạn!