Đấu tranh. Không ngừng đấu tranh. 

Cả cuộc đời của họ, mỗi ngày đều là đấu tranh cho chính bản thân mình, đấu tranh cho quyền yêu và được yêu như bao người khác, đấu tranh vì một ngày mai lá cờ lục sắc tự do tung bay trên nền trời biếc xanh.

Vượt lên mọi định kiến cổ hủ, trải qua bao thăng trầm cực nhục, cộng đồng LBGT đã thành công dần có được sự công nhận của mọi người, có một vị trí nhất định trong xã hội.

Và những thành công của họ, những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ tự bao giờ lại trở thành công cụ để một kẻ nào đấy trở nên đặc biệt hơn trong mắt mọi người?

Không ngừng nghỉ đấu tranh

Còn nhớ tháng 4 năm 1952, đồng tính bị đưa vào sổ tay chẩn đoán của Hiệp hội Hoa Kỳ với danh nghĩa “bệnh rối loạn nhân cách xã hội”. Trước cuộc cách mạng giới vào thập niên 1960, không có một cách gọi chung nào để chỉ những người đồng tính một cách thiện chí, xã hội bấy giờ gọi họ bằng những cái tên miệt thị, phổ biến nhất là third gender (giới tính thứ ba), homosexual (đồng tính luyến ái).

“Tình yêu của chúng mình là không bình thường…”

Hiện tại, tuy cộng đồng LGBT đã có những thành công nhất định trong việc khiến xã hội công nhận nhưng bên cạnh đó còn tồn đọng nhiều định kiến.

Dù sao đi nữa, đến nay, khi bắt gặp một đôi nữ-nữ hay nam-nam âu yếm nhau người ta cũng chẳng còn ngạc nhiên cảm thán như ngày trước. Vì giờ đây, họ, những người thuộc cộng đồng cờ lục sắc đã được công nhận là “những con người bình thường như bao người khác”, nắm trọn lấy quyền yêu và được yêu tự do của mình.

Nhưng… 

Chúng ta đang sống trong thời kỳ 4.0, nơi mạng xã hội ở đỉnh cao của sự phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực mà thế giới ảo mang lại, vẫn còn đó tồn đọng không biết bao nhiêu vấn đề tiêu cực khác. Bối cảnh giả lập ấy không ít lần trở thành nơi cho những kẻ thích được chú ý đạt được mục đích… Bằng cách a dua. Nạn nhân của những chiêu trò bẩn thỉu này cũng không ít, trong đó có cả cộng đồng LGBT.

“Nhiều khi tình yêu của họ còn đẹp hơn tình yêu của người bình thường ấy chứ!”

Thế nào là tình yêu bình thường? Chúng ta ngồi đây đang mãi đi tìm một tình yêu hoàn hảo, một tình yêu vĩ đại. Nhưng phải chăng những chuẩn mực này đang áp đặt lên chính chúng ta để rồi lại sinh ra muôn vàn những chuẩn mực mới, muôn vàn những sự đề cao, muôn vàn những sự ngộ nhận. Có thể hiểu rằng các bạn đang cố gắng để đòi lại công bằng cho họ, nhưng vốn dĩ tình yêu của họ là những vết sẹo tuyệt đẹp, còn ta thì lại lầm tưởng đó là những vết tích chứng thực cho nỗi đau trong khi người ta thực chất không muốn người đời nhìn vào nó để phán xét bất cứ điều gì bởi nó thuộc về quyền riêng tư và họ không muốn bất cứ ai xé toạc vết sẹo ra hay cố gắng là phẳng nó. Mất bao nhiêu lâu để đấu tranh và đòi bình đẳng, để được công nhận là một phần của xã hội, quan điểm mà ta cho rằng là đang lên tiếng để bảo vệ họ thực chất chỉ đang một mực phủi sạch đi những gì cộng đồng ấy đã dày công xây dựng.

“Hai anh/chị ấy đẹp đôi quá, anh/chị thấp là thụ anh/chị cao hơn là công, ship thôi!”

Một bộ phận thiếu hiểu biết khác thì lại có những vấn đề khác. Đơn cử, là việc gán ghép vô tội vạ. Chúng ta không hề lên án văn hóa shipdom của giới trẻ hiện nay, chúng ta cùng lên án những kẻ “ship hùa”, những kẻ không hiểu được bản chất của ship và đang tự cho mình là những ông tơ bà nguyệt trong khi thực chất họ chỉ đang thọc gậy bánh xe vào một tình bạn nào đấy. Ranh giới của sự ủng hộ và a dua cũng giống như một sợi chỉ mong manh, vượt quá giới hạn, nó đứt.

Dấu hiệu 1: Không cần biết đến xu hướng của người ta hay không, cũng chẳng cần biết mối quan hệ của họ là gì, miễn là một cặp nữ-nữ hoặc nam-nam đi với nhau, đích thị là họ yêu nhau.

Dấu hiệu 2: Gọi một chàng trai mảnh khảnh, mặt hiền là tiểu mĩ thụ, bot, không quan tâm đến cảm xúc của người ta. Đây cũng là một trong những dấu hiệu của body-shaming. 

Dấu hiệu 3: Tự đặt ra cái tiêu chuẩn kép cho một đôi đồng tính, người này là bot phải hiền, yếu đuối, người kia là top thì phải mạnh mẽ, cứng rắn, luôn bao bọc che chở cho người còn lại. 

Vậy hậu quả để lại là gì? Tuy không nhiều nhưng cũng đã có những trường hợp một đôi bạn thân thiết gắn bó bị chia rẽ vì không chịu được lời ra tiếng vào mà những kẻ thị phi kia gán lên tình bạn của mình, hay là có biết bao sự tự tin bị đổ vỡ vì mặc cảm ngoại hình không được như ý. Thậm chí, những trò lố ấy đã đặt ra cái tiêu chuẩn kép của tình yêu, khiến tình yêu từ lúc nào trở thành cái khuôn mẫu độc đoán, định đoạt vai trò của hai người trong một mối quan hệ trong khi tình yêu là bình đẳng, tức là hai bên đều có thể được nương tựa vào nhau, chở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho nhau chứ không phải là gồng mình theo một vai vế gượng ép.

“Tình yêu là của chúng ta nhưng tại sao quyền quyết định lại là của mọi người?”

Bên cạnh đó, có một bộ phận người thì lại đang gay gắt quá mức trước những ý kiến trái chiều liên quan trực tiếp đến cộng đồng LGBT một cách không nhất thiết phải thế.

“Tôi không phải là người thuộc cộng đồng LGBT nhưng LGBT họ cũng chỉ là người bình thường, chúng ta không nên ghét họ, bạn ghét họ thì tôi ghét bạn.”

Có thể hiểu là những người ấy chỉ muốn lên tiếng công nhận và muốn người khác tôn trọng cộng đồng ấy như những gì họ đang làm, nhưng họ cũng phải học cách tôn trọng những người khác. Việc ta lúc nào cũng dễ bị kích động trước một lời đả kích của ai đấy về cộng đồng LGBT, rồi chỉ trích họ có lối suy nghĩ và tư duy thiển cận chỉ khiến hình ảnh của những người chúng ta đang cố gắng bao bọc (một cách không cần thiết) xấu hơn trong mắt mọi người. Ta phải biết thông cảm, không phải ai cũng có thể thích nghi dễ dàng với những sự thay đổi, dẫu cho ấy là một sự thay đổi tích cực đi chăng nữa.

Chủ quan hay khách quan?

Con người yêu sự hào nhoáng và chúng ta theo đuổi sự hào nhoáng, chúng ta tôn sùng sự hào nhoáng.

Những chiến tích của cộng đồng LGBT là một sự hào nhoáng, ấy là sự lấp lánh của những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ vì quyền lợi mà bản thân họ xứng đáng được có như bao người khác, là những thành tựu vẻ vang trong hành trình đi đến chính nghĩa và công bằng.

Nhưng cũng chính vì bề ngoài hoành tráng kia nên nhiều kẻ đã lợi dụng nó làm công cụ để kiến bản thân mình được chú ý hơn trong mắt mọi người. Cộng với vốn kiến thức về xu hướng tính dục hạn hẹp, họ cùng nhau phụ họa hùa theo những phong trào thiêng liêng ấy để tự tạo ra cái mác đặc biệt, đấu tranh vì nhu cầu nhỏ nhen, ích kỉ của mình.

Tôn trọng

Cuộc sống này là vô tận, ta luôn có hàng trăm cách khác nhau để khẳng định giá trị và vị thế của bản thân mình. Chúng ta không hề xấu khi muốn thu hút sự chú ý, vì đấy là một biểu hiện của việc yêu bản thân và không ai sai khi muốn xây tạo một hình tượng lí tưởng để theo đuổi và cố gắng. Dẫu biết là khó khăn nhưng đừng vì ngại thử thách mà chọn con đường tắt trái nghĩa kia, vì khi ta giẫm đạp lên người khác để trở thành người tuyệt vời, bản thân ta cũng đang giẫm đạp lên chính lòng tự trọng của mình. Ta cũng đừng nên hóa thân vào kẻ thi hành thứ công lí thậm chí còn chẳng tồn tại.

Dù vậy, bên cạnh đó, không phải ai cũng có đủ quan tâm dành cho chính bản thân để hiểu rằng mình là ai, mình muốn gì. Cùng với những tác động của môi trường sống, khi mà nhịp sống ngày nay cứ chảy trôi không ngừng nghỉ, con người ta dễ dàng lạc lối trong khi đang cố gắng giải đáp những câu hỏi của bản thân ta, từ đó đưa ra những phán quyết sai về chính bản thân mình, tự làm đau chính mình mà không hề hay biết. Chúng ta còn trẻ, chúng ta cũng còn rất nhiều thời gian, hãy cứ từng bước một khám phá bản thân để biết nơi đâu mới là bến đỗ phù hợp nhất của mình, tìm ra con đường tốt nhất.

Tất cả là hai chữ TÔN TRỌNG.

Họ, những con người thuộc cộng đồng LGBT chưa bao giờ đòi hỏi chúng ta phải đấu tranh giúp họ. Thứ họ cần chỉ đơn giản là sự công nhận của chúng ta với những gì họ đang có ở thời điểm hiện tại. Có thể nhiều người trong số chúng ta vẫn còn những ác cảm định kiến nhưng hãy dành cho họ sự tôn trọng nhất định, suy cho cùng thì tất cả chúng ta vẫn đều là những con người đang cố gắng vươn đến một xã hội tốt đẹp hơn, nơi mỗi người đều được đối xử bình đẳng, nơi tình yêu là sự tự do và là quyền lợi của tất cả mọi người.