Đã bao giờ bạn nghĩ đến một ngày, mở mắt ra và môi trường xung quanh mình đã hoàn toàn thay đổi: ta không còn có thể sinh hoạt như bình thường nữa, sức khỏe của bản thân chẳng được như cũ, mọi sinh vật xung quanh đều phải chật vật để tồn tại,… Quả là một viễn cảnh mà chẳng ai mong muốn nó xảy ra cả. Thế nhưng chúng ta của hiện tại vẫn đang phớt lờ những nguy cơ sẽ đưa loài người tới một tương lai như vậy. Ta vẫn hay chủ quan cho rằng dù tệ lắm thì hậu quả cũng sẽ chẳng đến trong thời gian gần. Hậu quả ấy sẽ xảy ra sau vài thế kỷ, một trăm năm hay chỉ vài năm nữa? Đó chính là những điều rất nhiều nhà khoa học đã muốn cảnh báo chúng ta trong một sự kiện gần đây …

Lời cảnh tỉnh trong tuyệt vọng

Vào khoảng đầu tháng 4 năm 2022, hơn một nghìn 1000 khoa học đến từ 25 quốc gia trên khắp thế giới đã có một cuộc biểu tình để nói lên sự cấp bách trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Cuộc biểu tình đã diễn ra sau khi có báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về việc Biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change) nhấn mạnh rằng việc cắt giảm nhanh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là tất yếu để ngăn chặn những tác động thảm khốc tới môi trường. Một báo cáo của Liên hợp quốc cũng nói rằng nhân loại chỉ còn có 3 năm để hạn chế khí thải nhà kính và tránh những thảm họa khí hậu nghiêm trọng hơn.
Họ, với cái tên là “Scientists Rebellion”, đã chia sẻ trong một bức thư rằng các hành động và kế hoạch hiện tại liên quan đến môi trường là hoàn toàn không đủ, và họ đã bắt buộc phải đứng lên để cảnh báo với thế giới tính cấp bách của vấn đề này. Những con người với tấm áo trắng khoác lên mình ấy, đã rời bỏ những phòng thí nghiệm và nghiên cứu, để tự tay cầm những tấm bảng, dùng tiếng nói của bản thân để trực tiếp nói với chúng ta thực trạng đáng báo động hiện tại. Thậm chí, dù cho có bị cảnh sát cưỡng chế đưa đi để đàn áp cuộc biểu tình, họ vẫn cố cất lên tiếng nói run rẩy của mình, cố gắng chống cự. Họ thật sự đã cảnh cáo chúng ta trong nỗi tuyệt vọng. Trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một đoạn video ghi lại những lời nói xót xa của một nhà khoa học khí hậu NASA, Peter Kalmus, khi anh ấy đang tự xích mình vào một tòa nhà tại Los Angeles:
“Chúng tôi đã cố gắng cảnh báo các bạn trong nhiều thập kỷ. Tiếng nói của các nhà khoa học trên thế giới đang bị phớt lờ. Phải dừng chuyện này lại thôi nếu không ta sẽ mất tất cả”
“Đã quá muộn rồi, đây là cơ hội cuối cùng của chúng ta (Nguyên văn: It’s now the eleventh hour) và tôi đang cảm thấy kinh hãi cho những đứa con của mình, cho nhân loại …”

Scientists Rebellion – sự kiện khiến chúng ta cần nhìn nhận lại

Thờ ơ chính là vấn đề lớn nhất của thế hệ chúng ta

Như Peter Kalmus đã nói, đã có rất nhiều người cố gắng cảnh báo chúng ta trong rất nhiều thập kỷ, thế nhưng tiếng nói của họ luôn bị phớt lờ. Trong vòng phỏng vấn top 4 của cuộc thi Miss Earth 2018, Hoa hậu Trái đất Việt Nam tại thời điểm ấy – Nguyễn Phương Khánh, đã nói rằng sự thờ ơ chính là vấn đề lớn nhất của thế hệ Millennials, và điều đó vẫn tiếp diễn rất nhiều ở hiện tại. Không giống như những thế hệ về trước, Millennials và GenZ từ lâu đã được tiếp xúc với rất nhiều nền tảng truyền thông như các trang mạng xã hội, Internet hay cũ hơn là báo chí. Sự nóng lên toàn cầu đã được đề cập tới lần đầu tiên vào 1896 trong một nghiên cứu của Svante Arrhenius, một nhà khoa học người Thụy Điển. Khoảng gần giữa thế kỉ 20, những bài báo đầu tiên viết về hiện tượng này đã xuất hiện trên thế giới. Tại Việt Nam, vào những năm 2000, không quá khó để ta có thể tìm thấy những trang viết về điều này. Với ngần ấy thời gian từ khi nghiên cứu đầu tiên được công bố, nhưng dường như chúng ta chưa bao giờ đủ quan tâm đến vấn đề này; sự nóng lên toàn cầu từ khi được phát hiện đến giờ đã ngày càng trở nên vô cùng tồi tệ. Sự thờ ơ này không chỉ là của một quốc gia hay tập thể nhất định mà là của tất cả chúng ta, những con người đang sinh sống trên trái đất.

Liệu có phải do chúng ta quá “máu lạnh”, vô tâm nên mới như vậy? Không hẳn là thế. Chắc chắn rằng trong chúng ta ai cũng đã từng đau xót và đồng cảm cho những hoàn cảnh bất hạnh phải hứng chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu, từng mềm lòng với những con vật đáng thương bị dày vò, phải chật vật sinh tồn vì sự thay đổi môi trường sống,… Chúng ta không cố tình phớt lờ đi những điều ấy, nhưng lại luôn bị những lợi ích trước mắt che đi tầm nhìn mà vô tình tặc lưỡi lãng quên những điều này. Bài viết này ở đây như một lời nhắc nhở, rằng chúng ta hãy nghĩ cho cả thiên nhiên và sinh vật xung quanh mỗi khi lựa chọn. Hãy nhớ đến những đồng bào gần xa phải chống chọi với thiên tai, thiệt hại mùa màng; hãy nhớ đến những chú gấu Bắc cực gầy ốm chỉ có thể nằm xuống chờ chết, bất lực khi “ngôi nhà” của chúng đang tan chảy; đừng quên cả những đám cháy kéo dài đến nhiều ngày đêm mang đau thương đến cho con người, mẹ thiên nhiên và cả bầu khí quyển nữa,…

Những thông điệp về môi trường luôn ở ngay xung quanh, thế nhưng mọi thứ phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta

Phép màu sẽ đến từ những tia sáng nhỏ nhoi

Sự nóng lên toàn cầu bị ảnh hưởng rất lớn bởi những ngành như ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và rất nhiều ngành công nghiệp khác. Những yếu tố đấy lớn đến nỗi mỗi khi chúng ta nhìn vào thực tại, sẽ rất dễ dàng nhụt chí bởi nghĩ rằng mình chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi, dù có cố đến mấy cũng chẳng thể thay đổi được điều gì. Điều ấy dẫn đến những lần buông thả, những lần lựa chọn chiếc túi ni lông thay vì túi giấy vì nó “tiện” hơn. Nếu như trong cả xã hội chỉ có một mình bạn dễ dãi với bản thân một lần như vậy, thì đúng là nó chẳng thể để lại hậu quả to lớn gì. Nhưng chúng ta có biết một ngày có bao nhiêu người trên trái đất này cũng có suy nghĩ như vậy, và họ đã hành động như thế bao nhiêu lần? Chỉ một chiếc chai nhựa thì đúng là chẳng có gì to tát lắm; thế nhưng nếu là hàng tỉ người, mỗi người sử dụng một chai như thế trong một một ngày thì lượng rác thải ra hàng tháng, hàng năm liệu bạn có tài nào tưởng tượng nổi. Kết quả là ta đã không thể ngăn cản những yếu tố ảnh hưởng lớn lao, mà lại còn làm tình hình càng tồi tệ hơn nữa.

Cả cuộc đời chúng ta luôn nỗ lực, cố gắng để đạt được ước mơ của mình, để một viễn cảnh đẹp đẽ sẽ đến vào tương lai. Thậm chí dù chỉ là những học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chẳng phải bao nhiêu năm đèn sách của ta cũng phần lớn là vì hai chữ “tương lai”. Vậy nếu như điều cơ bản nhất đó là môi trường sống của trong ta sẽ chẳng còn có thể như cũ, tương lai của chúng ta liệu còn có thể như mong đợi? Đừng chần chừ, đừng trì hoãn và dễ dãi với bản thân nữa, bạn sẽ chẳng biết được ngày nào chúng ta sẽ mất đi tất cả. Không phải là vài thế kỷ hay thập kỷ, hiện tại chúng ta chỉ còn khoảng thời gian vài năm. Đây có phải là cơ hội cuối cùng của chúng ta hay không? Đến các nhà khoa học cũng chẳng thể khẳng định, thế nhưng chắc chắn rằng thời điểm này đã rất muộn rồi. Những cách thức bảo vệ môi trường luôn dễ dàng có thể tìm thấy ở trên mạng xã hội. Bởi việc này vốn dĩ không hề khó, chúng chỉ yêu cầu ý thức rất lớn của chúng ta mà thôi. Hãy cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt từ những điều nhỏ nhất, bạn đang bảo vệ không chỉ trái đất mà còn cả tương lai của chính mình nữa!

Hãy chú ý thêm một chút và kỷ luật với bản thân hơn từ những thói quen nhỏ nhất!

Dù chỉ là những tia sáng nhỏ nhất, chúng ta vẫn luôn có thể cùng chung với nhau tạo nên một cầu vồng tuyệt đẹp. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của bản thân mình và dễ dãi với bản thân trong công cuộc chiến đấu bảo vệ trái đất xanh của chúng ta. Hãy biết trân trọng và nâng niu thiên nhiên xung quanh; nếu không chúng ta sẽ mất hết tất cả, mất đi “ngày mai” và một tương lai tươi sáng!