“Các em học sinh  thân mến, chúc mừng các em đã xuất sắc vượt qua kì thi chuyển cấp đầy gian nan và bước chân vào con đường học tập mới. Thời khắc này đây, mỗi người sẽ mang theo một chiếc đồng hồ đếm ngược 1000 ngày tại trường Chuyên Nguyễn Huệ. Thời gian sẽ không chờ đợi một ai. Hãy cố gắng hòa nhập, thể hiện và phát huy thật tốt các thế mạnh của mỗi cá nhân, mỗi một tập thể ngay trong năm học đầu tiên dưới mái trường yêu mến này. Thầy tin tưởng các em sẽ thành công!” Và như thế, trong cái nắng hanh vàng của mùa thu, trong tiếng trống khai trường tùng tùng rộn rã, tôi trở thành một học sinh của Huệ.

Sân bóng Nguyễn Huệ luôn nhộn nhịp bất kể thời gian nào sau giờ học.

Con người luôn luôn hi vọng vào hai chữ “ngày mai”. Người ta đôi khi vẫn tự nhủ rằng có lẽ ngày mai mọi chuyện sẽ tốt hơn, có lẽ ngày mai sẽ khác. Niềm hi vọng đã tạo nên một vẻ đẹp tiềm ẩn cho hai chữ ấy. Thế còn “ngày mai” của tôi ở đâu? Bất chợt, trong tâm trí tôi hiển hiện hình ảnh của Huệ: từng ô cửa sổ trắng phau phau, từng hàng ghế gỗ xếp dài tăm tắp, từng chiếc bảng đen in màu phấn trắng, những tiết học rộn rã vui tươi và vang vọng đâu đây lời hồi đáp của con tim mình: “Ngày mai của cậu ở đây này”. Không, không chỉ là “ngày mai”, Huệ còn là ánh mặt trời trong buổi bình minh mới.

Khoảnh khắc sân trường vắng lặng trước giờ học sinh đến.
Hàng ghế dài nằm trước sân trường gắn liền với những kỉ niệm tuổi học trò.

Ánh mặt trời trong buổi bình mình, không gắt gỏng, không chói lòa, dịu dàng mà bao phủ lên những mầm non còn vương sương sớm. Những mầm non ấy là chúng tôi, những đứa trẻ đang chờ được lớn, chờ được nắng chiếu đến để sớm ngày trưởng thành. Mầm non thiếu nắng sẽ chẳng thể nào lớn khôn. Những đứa trẻ dại khờ tuổi 17 thiếu sự chỉ bảo sẽ chẳng thể nào nên người.

Một góc nhà đa năng khi chiều buông xuống.

Tôi còn nhớ như in tiết học Vật lý đầu tiên trong cuộc đời học sinh cấp ba của minh. Chắc hẳn các bạn cũng biết, với những ai học ban Xã hội như tôi, Lý là một môn học khó nhằn với hàng chục công thức học rồi lại quên. Thế nên, tôi sợ Lý. May mắn thay, người dạy Vật lý năm đầu tiên của tôi, lại là thầy Hòa. Học sinh Chuyên Nguyễn Huệ hẳn ai cũng biết đến tên thầy, một người thầy kính nghiệp, tâm huyết với nghề dạy, một con người với tính cách chỉn chu, cẩn thận. 37 năm giảng dạy đã tôi luyện nên một nhà giáo tài giỏi: thầy vẽ hình vô cùng đẹp, thầy dạy mà chẳng cần đến giáo án. Và quan trọng hơn hết, thầy đã làm sống dậy tình yêu môn Vật lý cho hàng chục thế hệ học sinh bằng chính sự nhiệt huyết của mình, trong đó có cả tôi. Thầy cũng như bao thầy cô giáo khác dưới mái trường Nguyễn Huệ này, tận tâm, tận lực với nghề giáo. Vậy nên, Nguyễn Huệ trong tôi còn là bóng hình của các thầy các cô, những người chèo đò đưa học sinh cập bến thành công.

Chân dung thầy Hòa, một nhà giáo hết lòng với học trò.

Bình minh mới, tương lai mới. Huệ không chỉ trao đi những sự chỉ bảo ân cần mà còn gieo hạt mầm mang tên niềm tin và hy vọng vào mỗi lứa học sinh. Mái trường này luôn nhắc nhở chúng tôi rằng: hãy mơ đi, hãy nghĩ đi, và thầy cô sẽ luôn đồng hành để chắp cánh cho ước mơ ấy. Đừng sợ hãi trước tương lai bởi mái trường này luôn là điểm tựa, là nhà cho các em. Nguyễn Huệ đã trao cho chúng tôi một lòng dũng cảm để dám bước đến tương lai, cũng trao cho chúng tôi cơ sở để thực hiện những lý tưởng của mình.   

Con đường tại canteen ” nửa tỷ” trong ánh chiều tà.

Sau một đêm dài u tối, mặt trời cuối cùng cũng xuất hiện, tỏa ánh nắng chan hòa gọi vạn vật tỉnh giấc.

Bình minh ngắn ngủi trong chốc lát, tựa như ba năm cấp ba vậy . Bình minh Nguyễn Huệ gọi chúng tôi tỉnh giấc và bảo chúng tôi rằng: “Các bạn, tuổi 18 sắp chạm ngõ, nên trưởng thành đi thôi”. Vậy là, chúng tôi sắp chẳng còn là trẻ con nữa. Chúng tôi bắt đầu tập tễnh bước đi trên con đường tập làm người lớn, bắt đầu tìm kiếm giấc mơ và định nghĩa bản thân. Và Nguyễn Huệ, như người cha, người mẹ tạo cho chúng tôi một vòng an toàn để tự mình khám phá. Các em muốn thử những công việc trước đây mình chưa từng làm, hãy tham gia câu lạc bộ. Các em muốn thử sức bước ra ngoài vòng an toàn để kết bạn, hãy tham dự làm sự kiện cho trường. Hoặc các em muốn nhảy, muốn quay phim, muốn học hội họa, muốn viết báo, tất cả đều có ở đây. Hãy cứ thử đi rồi để biết giấc mơ của mình là gì.

Bình minh qua đi, buổi trưa đến, chiều buông, chẳng mấy chốc rồi đến tối. Hết một ngày, hết một đời người. Dù ở khoảnh khắc nào của cuộc sống sau này, tôi chắc chắn bản thân sẽ không quên những ngày tháng đi tìm ước mơ ở dưới mái trường này.

Hình ảnh các bạn học sinh đang thử sức với với vai trò nhà báo.

Nguyễn Huệ trong tôi, tựa ánh mặt trời trong buổi bình minh mới.

Khoảnh khắc mặt trời ló rạng, chúng tôi hớt hải đuổi theo chuyến xe bus trong nỗi sợ đến muộn. Sợ là vậy nhưng chẳng ngày nào thay đổi. Và cứ thế 1000 buổi sáng đến trường đang dần trôi qua. Tôi nghe qua làn gió những lời thì thầm nhỏ nhẹ: Hãy trân trọng những khoảnh khắc này đi! Những anh chị ra trường rồi thường dặn ta rằng cấp ba của các em sẽ trôi qua rất nhanh. Còn những người đang ở lại chỉ thấy những ngày học năm tiết sao mà dài đến vậy, chỉ muốn nhanh nhanh về nhà đi ngủ. Nhưng các bạn ơi, sự nuối tiếc chỉ đến khi ta đã mất đi. Mất đi những ngày tháng vô ưu vô lo, mất đi những khoảnh khắc vui đùa cùng bạn bè, mất đi những lúc được thầy cô quan tâm chỉ dạy. Sau này, sẽ không còn nữa, vậy nên hãy học cách trân trọng, hãy học cách biết ơn.

Khoảnh khắc học sinh ra về sau một giờ thể dục.

Các bạn thân mến, một nghìn ngày đang dần trôi qua. Người ta vẫn thường nói rằng: thời gian một đi sẽ chẳng trở lại. Thời gian như vậy, ba năm cấp ba lại càng nhanh chóng. Chúng ta có thể mất sức, mất đi vài giọt mồ hôi, mất đi vài lần vui chơi nhưng tuyệt đối, không thể để thời gian ba năm cấp ba trôi đi trong lãng phí. Hãy sống đúng với lý tưởng và hoài bão của bản thân để sau này, Nguyễn Huệ trong tôi hay Nguyễn Huệ trong bạn mãi mãi là một hình ảnh đẹp của tuổi học trò. Để sau này, khi nhớ về ba năm cấp ba, chúng ta luôn vui vẻ, nhớ nhung thay vì tiếc nuối hối hận. Trân trọng từng khoảnh khắc, trân trọng Chuyên Nguyễn Huệ – nhà của chúng ta.