Sơ vin là một trong những yêu cầu bắt buộc về đồng phục của học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ và được coi như là một trong những tiêu chuẩn đánh giá hạnh kiểm. Tuy nhiên, quy định này lại gây ra rất nhiều tranh cãi từ phía học sinh.
Dẫu sơ vin là một quy định, nhưng không phải học sinh nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Có thể thấy, một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn chưa có ý thức tự giác tuân thủ quy định của nhà trường. Hình ảnh các bạn học sinh tuân thủ quy định này một cách chống đối có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ lúc nào, bất cứ địa điểm nào trong trường. Nhiều bạn ‘lách luật’ bằng cách vừa đi từ bến xe vào trường rồi đứng trước cổng trường sơ vin trông rất mất thẩm mỹ hoặc chỉ sơ vin khi nhìn thấy giáo viên.
Ngoài ra, cứ cách một thời gian, đặc biệt vào mùa hè nóng bức, không khó để ta tìm thấy những confession phản đối quy định sơ vin với đầy đủ những luận điểm, luận cứ nhận được sự ủng hộ và đồng tình của rất nhiều học sinh khác.
Do đâu mà học sinh phản đối quy định sơ vin?
Cho dù trong bất kì buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần nào, việc học sinh không chấp hành quy định về trang phục cũng được nhắc nhở rất nghiêm túc, thậm chí là gay gắt. Tuy nhiên, vấn đề này chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm. Vậy, nguyên nhân là ở đâu? CNH Spotlight đã đi và phỏng vấn khá nhiều học sinh trong trường về quy định này, phần lớn các bạn nêu ra … lí do chính sau đây.
Thứ nhất, có nhiều ý kiến cho rằng: quy định về sơ vin là không cần thiết. Một học sinh không thể bị đánh giá là hư hỏng, hay không có tư cách đạo đức chỉ vì không sơ vin khi đến trường. Hạnh kiểm hay đạo đức của học sinh phải được đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau: cách ứng xử với thầy cô, bạn bè, người lớn tuổi, thái độ học tập, sự hăng hái tham gia các hoạt động tập thể,…
Thứ ba, nhiều học sinh cho rằng sơ vin trở thành một “cực hình” vào những ngày tiết trời nóng nực. Do chất vải đồng phục của trường ta chưa thoáng khí nên khi sơ vin sẽ khó thoát mô hôi và tạo cảm giác khó chịu cho người mặc. Các bạn không chỉ cảm thấy bức bối, khó chịu, mà về mặt thẩm mĩ, “đóng thùng” cũng trông vô cùng ngột ngạt.
Thầy cô và nhà trường có ý kiến gì về tranh cãi này?
Theo nhà trường, sơ vin đem lại sự gọn gàng, chỉn chu, thể hiện thái độ nghiêm túc của người học sinh và đem lại ấn tượng tích cực cho người đối diện. Sơ vin còn duy trì sự đồng nhất, chỉnh tề của một tập thể và làm đẹp thêm cho khung cảnh sư phạm. Ngoài ra, nếu sơ vin với trang phục phù hợp sẽ dễ dàng tôn dáng người mặc.
Để có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề sơ vin, Spotlight đã có bài phỏng vấn ngắn thầy giáo Nguyễn Chí Thường – Bí thư chi Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ.
Thưa thầy, thầy có thể cho chúng em xin ý kiến về việc sơ vin của học sinh trường mình được không ạ?
– Đầu tiên, sơ vin là quy định nên thầy muốn các học sinh của thầy nghiêm chỉnh chấp hành. Tiếp theo thì thầy thấy sơ vin có rất nhiều cái lợi cho cả học sinh và giáo viên nên yêu cầu sơ vin không có lí do gì để loại bỏ.
Theo quan sát, có một bộ phận các học sinh chỉ sơ vin khi nhìn thấy giáo viên hoặc chỉ sơ vin lúc đầu giờ để tránh bị trừ hạnh kiểm, thầy suy nghĩ sao về thực trạng này ạ?
– Thầy biết các em mới vào trường sẽ chưa quen với nếp sơ vin nên sẽ tìm mọi biện pháp để trốn tránh, thoái thác việc sơ vin hoặc sơ vin cho có rất cẩu thả. Nhưng ngày nào các em còn đang theo học dưới mái trường Chuyên Nguyễn Huệ thì ngày ấy các em phải làm theo yêu cầu của trường bởi học giỏi thôi chưa đủ mà cần có cả tính kỉ luật. Nhưng quy định ban đầu có thể gò bó và nghiêm khắc nhưng qua sự rèn dũa ấy các em mới nên người.
Có hay không tồn tại giải pháp?
Nhà trường liên tục nhắc nhở và kỉ luật. Học sinh vẫn không chịu tuân theo.
Giải pháp cho thực trạng này đến nay vẫn dừng lại ở mức nhắc nhở và trừ hạnh kiểm – một phương án duy nhất nhưng lại không nhận được sự ủng hộ từ phía học sinh. Bạn V. đề bạt mong muốn của mình: “Mình rất mong nhà trường có thể chỉnh sửa quy định về trang phục bằng cách yêu cầu sơ vin những ngày chẵn, hoặc một số ngày nhất định trong tuần thay vì yêu cầu học sinh 100% sơ vin khi đến trường.”
Kết
Ở đây, vẫn tồn tại sự bất đồng trong quan điểm giữa học sinh và nhà trường về quy định trong cách ăn mặc khi tới trường. Tuy nhiên, quy định chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Vì vậy, việc nhà trường và học sinh cùng ngồi lại, thảo luận một cách thẳng thắn để chỉnh sửa và cải thiện quy định này là điều vô cùng cần thiết.