Vương miện từng là vật được làm bằng những kim loại quý, tượng trưng cho quyền lực, danh dự của người đội – những vị Vua, Hoàng đế, thần thánh ngày xưa. Còn giờ đây, một chất liệu mới đã được sử dụng để tạo nên chiếc vương miện của sự uy quyền thay cho những viên kim cương lấp lánh – đó là sự khoe mẽ.
Thể hiện bản thân là một nhu cầu thường thấy ở con người. Có người thì tự hào về những gì đang có một cách tự nhiên, vô tư; có người lại kín đáo; nhưng cũng có người lại thể hiện một cách thiếu văn minh, lố bịch, mà ta gọi đó là khoe khoang.
Người ta khoe đủ thứ. Khoe tiền, khoe quần áo, khoe sách, khoe học thức, khoe body,… Có cái gì, khoe cái đó. Thậm chí không có mà vẫn khoe. Họ cho rằng mình hơn người khác, luôn đặt mình ở vị trí trên cao rồi nhìn xuống. Cái ranh giới giữa tự hào và khoe khoang dường như lại trở nên vô hình.
Một người thực sự thành đạt hoặc hiểu biết sẽ chứng minh khả năng của họ bằng hành động. Nhưng kẻ khoe khoang thì khác. Họ muốn “bung lụa” ngay khi có thể, vì họ sợ bị coi thường, sợ không được công nhận. Họ đội lên mình chiếc vương miện đúc bằng lời nói hoa mỹ và hình ảnh bóng bẩy để che lấp đi cái lỗ hổng mà sự tự ti đã đục khoét trong tâm trí mình.
Một ví dụ tiêu biểu là việc khoe sách ở một bộ phận giới trẻ. Họ đua nhau mua bằng được càng nhiều sách càng tốt, chụp một vài tấm selfie với chúng, rồi đăng lên mạng để cho người ta thấy là mình có đọc sách, và tuyệt nhiên chẳng hề đụng tới, hoặc chẳng thể tiếp thu gì hoặc cảm nhận được gì từ những cuốn sách đó. Mục đích của sách, từ việc lưu trữ và truyền tải kiến thức, đối với nhiều người lại trở thành công cụ để thể hiện rằng ta đây có chữ trong đầu.
Hay như trong “Dế Mèn phiêu lưu ký”, Tô Hoài đã rất dí dỏm khắc họa nên chân dung của một kẻ khoe khoang điển hình qua nhân vật Ếch Cốm: “Nói có mấy câu thì đầu đuôi câu nào cũng ‘ngày trước ta…’ và ‘biết rồi, biết rồi…’ […] Cái lão đại vương Ếch Cốm này chẳng biết cóc gì nhưng cái gì cũng nói trước, mình chưa nói hết câu nó đã nói nốt câu mình nói, cái gì cũng tỏ vẻ ta đã biết, ngày trước thì cái gì ta cũng biết, và cái gì ta cũng giỏi. Bây giờ mới rõ câu tục ngữ ‘ếch ngồi đáy giếng’ thế mà thâm và ý nghĩa sâu”.
“Ghen ăn tức ở” là cái mác mà những kẻ hợm hĩnh gán cho người chỉ trích hành động của mình. Cũng đúng, khi thấy những người khác hơn mình thì ai chẳng cảm thấy một chút ghen tị và tự ti phải không?
Đối với những người có thói khoe, lời tung hô từ người khác xem ra lại quan trọng hơn là giá trị tốt đẹp mà một hành động mang đến cho họ. Họ chỉ mải miết đuổi theo cái hình bóng hào nhoáng để trưng bày cho người khác thay vì phát triển bản thân. Hãy xem ví dụ khoe sách ở trên: Khi mà thể hiện học thức là mục đích chính của việc mua sách thì việc đọc sách để tiếp thu trở nên vô dụng.
Chỉ nhìn người từ vị trí “thượng đẳng” hơn không đưa bạn lên cao, mà chỉ tạo cho bạn một sự hãnh diện tạm thời mà thôi. Thật là phí phạm nếu bạn dành thời gian cho việc gì đó chỉ để tận hưởng cái cảm giác “bố đời, mẹ thiên hạ” trong một chốc lát trước mặt mọi người.
Trong tháp nhu cầu Maslow, self-actualization – “tự thể hiện bản thân” – là nhu cầu cao nhất của con người. “Tự thể hiện bản thân” nghĩa là phát triển toàn bộ được tiềm năng và trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân. Những “self-actualizers”, ngoài khả năng chấp nhận khuyết điểm và xác định mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có thể tự mình đánh giá và nhận xét chính mình và tự phát triển bản thân theo hướng họ muốn, thay vì sống “hộ” người khác – đặc điểm dễ thấy ở những người khoe mẽ. Nếu bạn có thể trở thành con người “xịn” hơn bằng năng lực của mình, thì giá trị của bạn sẽ tự khắc được công nhận và mang lại lợi ích cho chính bạn.
Kết
Dĩ nhiên là chẳng ai cấm bạn chia sẻ những điều mình có cho người khác. Nhưng bạn cần nhận ra rằng, giá trị của bạn không nằm trong những bức ảnh, những dòng trạng thái, những lời nói sáo rỗng, mà nằm trong khả năng thực sự của chính bạn. Chỉ cần bạn chú tâm vào phát triển bản thân, thì tự khắc người ta sẽ nhận ra tài năng của bạn. Các cụ nói “Hữu xạ tự nhiên hương” cũng là vì lẽ ấy.