Có những điều không được giải đáp. Ví như, bạn này so với mình học hành chẳng ra gì, có định học lại một năm không thế? Ví như, ngưỡng mộ thật đấy, đến khi nào mình mới có thể xinh như bạn kia nhỉ? Ví như, lí do gì mà chúng ta cho bản thân quyền nâng giá trị của mình lên để nhìn người khác bằng nửa con mắt, rồi cùng lúc đó lại cảm thấy tự ti, xấu hổ vô cùng khi đứng cạnh ai đó? 

Ví như, tại sao con người lại so sánh?

  1. Gốc

Nếu ví xung quanh là đại dương xanh thẳm, thì mỗi chúng ta chỉ tựa như một con cá be bé. Thế nên, con người luôn tò mò về trình độ và giá trị của mình, cũng như có mong muốn được đánh giá, khẳng định bản thân. Biết rõ vị trí mà mình thuộc về luôn là một trong những khát khao không thể chối bỏ, điều này ảnh hưởng lớn đến cách ta suy nghĩ, hành động và quyết định cuộc đời trong tương lai. Có lẽ cũng vì vậy mà sự so sánh được hình thành, theo một cách thông thường và bản chất nhất. 

Chúng ta, nhỏ bé và băn khoăn về vị trí của mình

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp mà sự so sánh lại sinh ra từ những thói hư tật xấu bên trong lòng người. “Mình làm được như này là cũng ổn rồi, vẫn tốt hơn những người khác.” Này, đó chẳng phải kết quả thấp nhất trong bảng điểm của bạn hay sao? Phải, sự so sánh còn bắt nguồn khi ta kiếm cớ để lấp liếm cho những thiếu hụt của bản thân, khi ta cố tình chối bỏ thay vì đối mặt trực tiếp với thất bại do chính mình gây ra. Bằng cách hạ thấp hay đánh giá chủ quan về đối tượng khác với mục đích nâng cao địa vị giả tưởng của bản thân lên trên, người ta tự động cảm thấy hài lòng trong ảo mộng chiến thắng mà mình vun đắp. 

Hoặc chỉ đơn giản, rằng có những con người không thể sống mà thiếu ánh hào quang, cho dù nó chỉ là một vài vệt sáng hiu hắt, chắp vá đi chăng nữa. Vậy nên họ đưa ra một bàn cân độc địa, phán xét kẻ yếu hơn và lấy làm hào hứng, dương dương tự đắc mặc dù chưa thực sự làm điều có ích.

Bên cạnh đó, còn có những cá nhân tiêu cực, mặc cảm, chưa một lần tin vào bản thân. Họ dùng phép so sánh để củng cố thêm cho sự nhu nhược, yếu đuối của mình, rằng “mình sẽ chẳng bao giờ khá hơn được”. Cũng là một điều đáng buồn.

Những điều đáng buồn tạo nên cán cân khập khiễng

2. Độc

Trước hết, so sánh đôi khi biến con người trở thành nhỏ bé và tự ti. Chắc hẳn bạn cũng đã từng một lần nhìn thật sâu, thật lâu vào bóng hình ai đó, rồi thầm nhủ, “chà, ước gì mình cũng được một phần như vậy”. Cái cảm giác ngưỡng mộ gần như ghen tuông, rồi lại cảm thấy xấu hổ đến mức lúng túng, khó quên nhỉ? Vậy nhưng nó đâu có dễ chịu gì cơ chứ? Con người vốn luôn muôn hình vạn trạng, mỗi người mỗi nét khác nhau, ai cũng có phần ưu đi kèm phần khuyết. Và sự đa dạng ấy biến mọi cán cân trở nên khập khiễng và vô lý. Có những lúc con đom đóm không thể với tới mặt trăng. Có những lúc ta chẳng cần phải cố gắng để giống như một nàng Heather, vì nghệ thuật nằm trong sự không hoàn hảo. Nếu một ngày kia, so sánh khiến bạn chán nản và mất niềm tin vào bản thân, thì bạn đang giữ một con rắn độc, hãy vứt ngay nó đi.

Đừng để con rắn độc “so sánh” bám lấy!

Dường như sự so sánh có khả năng khuếch đại cảm xúc của con người, nếu đã có thể phóng to được sự tự ti, mặc cảm, nó có thể làm điều tương tự với ngạo mạn và tự cao ở những cá nhân khác. Nhỏ như viên bi, nhưng to hơn hạt bụi. Đó chính xác là cách con người, những “viên bi”, tự cảm thấy bản thân là điều gì cao siêu và lớn lao. Đặt mình vào chiếc bập bênh với kẻ yếu thế hơn, rồi trở nên hài lòng, kiêu ngạo. Mà một khi thấy thỏa mãn với thành tích ảo ấy, họ sẽ dừng lại, không còn tiếp tục cố gắng, dần dần trượt dài rồi rơi vỡ.

“False confidence” – cái giá đắt của những kẻ đi so sánh

So sánh còn là một quả bom hoàn hảo để khơi mào chiến tranh. “Con nhà người ta”, ám ảnh không? Áp lực, bất mãn, không phục. Hình như đã đủ nguyên liệu cho một cuộc cãi vã rồi. Chẳng ai thích thú gì khi bị so sánh với một người hơn mình, khi bị áp đặt cách đánh giá chủ quan lên điểm yếu của bản thân.

3. Kết

So sánh, thực chất chưa bao giờ là một cán cân hoàn hảo. Mà con người, trùng hợp thay cũng là sinh vật bất hoàn hảo nhất thế gian. Vậy nên, đừng tốn công ép mình vào một hình mẫu bản thân cho là lí tưởng hoặc phổ biến để phân đo hơn thua. Vậy nên, thay vì quan tâm đến người khác ra sao, hãy bắt đầu học cách chăm chút, lắng nghe con người mình.

Lắng nghe điều bản thân cần

Vậy nên, dừng so sánh.