“Lá lành đùm lá rách”, trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương, luôn là truyền thống đáng quý của dân tộc ta. Ấy vậy mà, vì lòng tham, để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình, để nhận được sự “chú ý” của mọi người, có những kẻ đang khoác trên mình vỏ bọc “đáng thương”, lợi dụng lòng tốt, lòng vị tha – mà đáng ra để dành cho những người đang khốn khổ từng ngày vật lộn với cuộc sống ngoài kia. Vậy từ khi nào lòng vị tha được coi là “công cụ” để thỏa mãn tham vọng xấu xa như thế?
1. Lòng vị tha
Vị tha là sống vì người khác, hy sinh một điều gì cho ai đó không phải bản thân mình, làm mọi việc không ích kỷ, không vì mưu lợi cá nhân. Lòng vị tha chính là biểu hiện cao đẹp nhất phẩm chất nhân hậu của con người.
Phải chăng chính vì lòng tốt, sự giúp đỡ dễ dàng mà có những người coi đó là lẽ tự nhiên để rồi thoải mái lợi dụng?
2. “Thuốc thử” lòng vị tha
Cuộc sống càng muôn màu muôn vẻ, càng thật giả lẫn lộn, ta càng vô định trong thế giới ấy, đặc biệt khi mà ai cũng mang lên mình chiếc mặt nạ, khoác những vỏ bọc chân thực đến tuyệt mĩ.
Thấy khó khăn, chắc hẳn con người ta liền sẽ không ngại ra tay giúp đỡ hết mình. Nhưng liệu ta đã từng hỏi, có lẽ nào mình đang đặt lòng vị tha vào nhầm chỗ?
Đối mặt với những tổn thương tâm lý, rối loạn tinh thần vốn là một chuyện rất khó khăn, thậm chí là một chứng bệnh dai dẳng. Dẫu vậy, có người lại coi căn bệnh nghiêm trọng như thế là cơ hội để chiếm lấy sự đồng cảm, sự quan tâm của mọi người, để dành được sự danh tiếng, sự chú ý họ hằng mong muốn.
Thật dễ dàng phải không? Bất kể thủ đoạn, với họ, đạt được mục đích của mình là quan trọng nhất. Đã bao giờ họ thực sự nghĩ đến việc ngôn từ có thể ảnh hưởng đến một con người vốn đã rất mỏng manh dễ vỡ? Những người thực sự mắc bệnh sẽ cảm thấy sao khi nhận ra căn bệnh mà mình đang hàng ngày chiến đấu chỉ là trò đùa trong mắt người khác. Buồn chán. Đau khổ. Phẫn uất. Bất lực. Chỉ những từ này sao có thể miêu tả cái cảm giác của họ khi ấy…
Bên cạnh đó, để thỏa mãn những ham muốn, khát vọng của bản thân, thứ đầu tiên bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ cần: TIỀN. Ngay lúc đó, hiện trong đầu ta câu hỏi “Vậy làm gì để có tiền?” Với một số người, giả nghèo có lẽ cách nhanh chóng, đơn giản mà chẳng hề tốn chút sức lực. Khoác lên vẻ ngoài đáng thương với bộ quần áo rách rưới, thậm chí giả bị “khuyết tật” xin quyên góp như “lẽ thường tình”. Đối với những người thực sự nghèo, cuộc sống vốn đã chẳng dễ dàng gì. Họ phải tiết kiệm từng đồng bạc lẻ, vật lộn mưu sinh để sống qua ngày. Cái đói, cái nghèo đã đeo bám họ, giờ đây, họ còn phải đối đầu với những kẻ tham ăn lười làm giả nghèo, họ biết than với ai đây? Trơ trẽn hơn nữa, có những kẻ còn thậm chí lợi dụng trẻ con để xin tiền, những đứa trẻ non nớt ở cái độ tuổi chưa biết đúng sai, chỉ biết nghe theo lời người lớn. Và ngay lúc này, chính những kẻ đó không chỉ được hưởng lợi trên sự ngây thơ của trẻ em, mà chúng còn dạy hư những đứa trẻ đó thói lười biếng, chỉ cần “há miệng chờ sung” là có thứ mình muốn.
Mặt khác, khi hỗ trợ những người đang gặp khó khăn, chính người giúp đỡ cũng phân biệt đối xử, dựa trên vô số tiêu chí vô lí từ nhan sắc, thiên vị người đẹp còn bỏ qua những người xấu, màu da hay đơn giản nhìn thích mắt người này hơn người kia mới giúp.
Thậm chí, có những người coi sự giúp đỡ của mình là sự bố thí cho những người khác, vì vậy có thể thoải mái chà đạp lên nhân phẩm của họ. Nhưng việc làm đó có còn là biểu hiện của lòng vị tha nữa hay không, hay chỉ là hành động mang vỏ bọc của một người tốt để có từ cái nhìn thiện cảm từ mọi người, còn thực chất là sự giả tạo của chúng?
Quả thật, chính lòng vị tha đã vô tình “tiếp tay” thỏa mãn ham muốn tinh thần, vật chất bẩn thỉu của một bộ phận con người hiện nay.
3. Công bằng ở đâu?
Lòng vị tha là một đức tính đáng quý của dân tộc ta, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để san sẻ phần nào cuộc sống của họ. Nhưng ta sẽ cảm thấy thế nào, khi nhận ra mồ hôi, nước mắt, công sức để giúp đỡ người khác, lại đang thỏa mãn những ham muốn ích kỉ , tự trách bản thân đã quá ngây thơ rồi tin vào lời ngon ngọt, vẻ ngoài đáng thương của những kẻ lừa đảo xảo trá.
Còn với những người gặp khó khăn, bị trêu đùa, chế nhạo trong cuộc sống, họ chỉ đành im lặng chịu đựng. Họ biết kêu than với ai trong cái xã hội đầy rẫy bất công ấy, nơi chính lòng tin cũng vô cùng mong manh.
Có thể có người đứng ra vạch trần bộ mặt giả tạo của những kẻ đó, nhưng đó chỉ là phần rất nhỏ, vậy thì ta biết tìm công bằng ở đâu?
Công bằng tồn tại, nhưng không phải lúc nào cũng hiện hữu. Vì vậy phải đặt lòng vị tha vào đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng cũng như không phân biệt trong sự giúp đỡ của mình, đó mới chính là bản chất đích thực của hai chữ “vị tha”.