Vào ngày 30 tháng 10, với sự góp mặt của Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô và các bạn học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, buổi ngoại khóa trực tuyến đến từ hai khối chuyên Sử – Địa đã diễn ra vô cùng tốt đẹp. Chủ đề “Aphrodite” đã đem đến cho mọi người một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, những nội dung bổ ích và các thông điệp thú vị về người phụ nữ hiện đại qua cách truyền tải không thể sinh động và sáng tạo hơn…
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho người phụ nữ nước ta tám chữ vàng: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Lấy cảm hứng từ đó, các thành viên đến từ hai khối chuyên Sử – Địa đã quyết định chọn hình ảnh người phụ nữ làm đề tài cho buổi ngoại khóa tổ xã hội với cái tên “Aphrodite”. Trong tiếng Hy Lạp, Aphrodite là tên của một nữ thần đại diện cho sắc đẹp, quý phái và nét duyên dáng của người phụ nữ. Với chủ đề đó, nội dung chính của chương trình xoay quanh chuẩn mực của cái đẹp, bình đẳng giới và phong trào nữ quyền, dưới sự điều khiển của 2 MC đến từ lớp 11 Sử – Hà Linh và Hạnh Vi.
PHẦN I: CHUẨN MỰC CỦA CÁI ĐẸP
Mở đầu chương trình là video ngắn về tình huống một cô gái với sự cố để lộ mặt mộc trong quá trình livestream.
Từ đó, ban tổ chức gửi đến thầy cô và các bạn học sinh một chủ đề đang được quan tâm và thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều: “Vẻ đẹp của người phụ nữ đang ngày càng bị chuẩn mực hóa, tiêu chuẩn hóa”. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Thế nào mới được gọi là đẹp?”.
PHẦN II: DEBATE
Để thầy cô và các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, một cuộc tranh biện gay gắt dựa trên kiến nghị “Chúng tôi phản đối hình tượng “thiên thần” của Victoria Secrets” đã nổ ra với sự tham gia của hai đội:
- Đội Ủng hộ gồm ba bạn đến từ lớp 10 Sử: Nguyễn Quỳnh Mai, Nguyễn Ngọc Hương Giang, Trần Hồng Anh
- Đội Phản đối gồm ba bạn đến từ lớp 10 Địa: Lê Mỹ Duyên, Nguyễn Khánh Ngân, Nguyễn Quỳnh Chi
Người nói thứ nhất của đội Ủng hộ – Nguyễn Quỳnh Mai đã khai mạc trận tranh biện với khẳng định “…Mỗi người có hình dáng cơ thể khác nhau, và họ vẫn đẹp, kể cả khi họ có chút mũm mĩm hay khuôn mặt không có góc cạnh và có tàn nhang… dù chúng ta không có hình tượng cơ thể đẹp như thiên thần, nhưng chúng ta vẫn có thể đẹp, hay quyến rũ theo cách chúng ta muốn…”
Đội Ủng hộ tiếp tục đưa ra những luận điểm chứng minh cho ý kiến của mình: “Với việc theo đuổi hình tượng của một thiên thần, hành động ấy có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho chính những người phụ nữ….Hoàn hảo trong cái đẹp là quan niệm trong quá khứ, bây giờ thời đại đã khác, chúng ta cần tôn trọng tất cả những người phụ nữ trong mọi dáng hình…”
Đội Phản đối cũng có phần phản biện không hề kém cạnh “…Chúng tôi không hề trầm mặc hóa vẻ đẹp của người phụ nữ, mà chúng tôi tin rằng những người phụ nữ tự tin thể hiện bản thân mình là người phụ nữ đẹp, đẹp cả về vẻ bề ngoài và tâm hồn. Cái đẹp không có định nghĩa….Hình tượng thiên thần là một trong những phần quan trọng làm động lực cho những cô gái phấn đấu hết mình để thay đổi…”
Cả hai đội đều đưa ra những luận điểm vô cùng chặt chẽ và sắc bén. Qua màn hùng biện đầy kịch tính, thầy cô và các bạn đã có một góc nhìn mới mẻ hơn và những kiến thức bổ ích về chuẩn mực của cái đẹp.
Để thư giãn sau cuộc tranh biện căng thẳng, thầy cô và các bạn học sinh cùng thưởng thức tiết mục nhảy vô cùng sôi động của NDC.
Tiếp nối chương trình là hai tiết mục văn nghệ đặc sắc với bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng – “Anh là ai?” do bạn Ngọc Bích và Phương Thảo lớp 12 Sử trình bày và bài hát “I don’t wanna be you anymore” được thể hiện qua giọng ca tràn đầy năng lượng của bạn Ngân Hà lớp 10 Địa.
Bài hát ngọt ngào “Anh là ai?”do hai bạn Ngọc Bích và Phương Thảo biểu diễn Bạn Ngân Hà thể hiện tài năng đàn hát điệu nghệ qua bài hát “I don’t wanna be you anymore”
PHẦN III: BÌNH ĐẲNG GIỚI
Như mọi người đã biết, hiện nay việc giáo dục bình đẳng giới cho học sinh chưa được thực hiện rộng rãi và phổ biến trong các trường THPT mà chỉ được thực hiện trên cơ sở lồng ghép vào một số môn học. Qua video tình huống thực tế, ban tổ chức đã cho người xem thấy được bức tranh về hiện trạng bình đẳng giới ở Việt Nam nhằm giúp mọi người có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề này.
“Chúng ta, bất kể một giới tính nào, đều có quyền được tôn trọng. Do vậy, việc nhận thức, những cách xử lý đúng đắn trong từng trường hợp không chỉ hữu ích đối với các bạn nữ, mà còn đối với các bạn nam – những con người của thời đại tiến bộ.”
PHẦN IV: PHONG TRÀO NỮ QUYỀN
Chủ nghĩa nữ quyền là một tập hợp của các phong trào và ý thức hệ nhằm mục đích xác định, xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bình đẳng cho phụ nữ. Qua lời dẫn dắt của 2 MC, kết hợp với bộ phim ngắn “Chuyện nữ”, ban tổ chức đã dựng lên hình tượng người phụ nữ, người con gái, mà ngày nay đối với nhiều người là không chuẩn mực.
“Con gái không phải cứ dịu dàng, nữ tính, chơi búp bê mới là con gái, mà kể cả họ có chơi game, đá bóng, họ vẫn là con gái. Con gái, không phải ai cũng giống ai, mỗi người một tính cách, mỗi người một suy nghĩ về cái gọi là chuẩn mực. Con gái, họ dù có mạnh mẽ đến đâu, họ vẫn là phái yếu, vẫn cần được bảo vệ… Hãy bình thường hóa, và tôn trọng sở thích, tính cách của người con gái, đừng áp đặt giới tính, giới hạn của hành động để chuẩn mực đam mê của họ.” – MC Hà Linh chia sẻ.
Để tiếp nối chương trình, lớp 12 Sử và 10 Sử đã gửi đến cho thầy cô và các bạn tiết mục văn nghệ thiết tha với bài hát “Xe đạp”, làm gợi lên vô vàn những cảm xúc trong lòng người nghe.
Ngay sau đó, không khí lại trở nên hồi hộp với phần công bố kết quả trận tranh biện vừa rồi. Điều đáng chú ý là tỉ lệ phần trăm bình chọn đội thắng cuộc và đội xếp sau không chênh lệch quá lớn, chỉ khoảng 10%. Xin chúc mừng đội Phản đối đã trở thành đội thắng cuộc!
PHẦN V: TRUYỀN CẢM HỨNG
Ngày nay, phụ nữ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, vì thế chỉ cần một sự cổ vũ, một động lực sẽ thúc đẩy người phụ nữ trở nên tự tin hơn rất nhiều. Một video truyền cảm hứng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng đã kết thúc buổi ngoại khóa vô cùng ý nghĩa và sâu sắc của tổ xã hội.
Buổi ngoại khóa của tổ xã hội đã khép lại thành công rực rỡ. Qua chủ đề “Aphrodite”, mong rằng mọi người đã có thêm nhiều hiểu biết hơn về hình tượng người phụ nữ hiện đại. Chúc các bạn nữ luôn luôn xinh đẹp, hạnh phúc, tràn đầy sức khỏe, cũng như chúc các bạn sống thật với chính bản thân mình, phá bỏ mọi giới hạn, định kiến của xã hội. Cảm ơn các thầy cô và các bạn đã tham gia, góp phần vào sự thành công của chương trình.