Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao cuộc sống của mình lại mệt mỏi đến thế, lại cô đơn và lạc lõng đến vậy? Nhà triết học Khắc kỷ Marcus Aurelius đã từng nói: “Cuộc sống của bạn là những gì suy nghĩ của bạn tạo nên”. Nếu trong đầu bạn toàn là những điều u ám, tiêu cực thì lẽ dĩ nhiên là cuộc đời bạn sẽ chẳng thể nào vui vẻ nổi. Và những người rơi vào trạng thái overthinking, những người suy nghĩ quá nhiều, thậm chí là về cả những việc chẳng liên quan đến bản thân, thường có xu hướng nghiêm trọng hóa mọi thứ. Điều đó vô tình khiến cho họ có một cuộc sống mệt mỏi, nặng nề. Vậy chính xác thì overthinking là gì, từ đâu mà ra và làm thế nào để hạn chế? 

Overthinking là gì? 

  Bạn có dễ dàng bắt gặp mình đang nghĩ ngợi? Bạn lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn và bất an trong mọi tình huống? Bạn luôn luôn không thể kiểm soát được những lo lắng của bản thân? Nếu hầu hết các câu trả lời của bạn là có thì bạn chính xác là một overthinker! 

   Đầu tiên phải khẳng định rằng overthinking không phải là bệnh, nhưng khi đạt đến một trạng thái nhất định thì nó sẽ thành bệnh. Overthinking là một hội chứng tâm lý và là một biểu hiện thường gặp trong “Rối loạn lo âu toàn thể” (GAD).

   Overthinking được chia thành hai dạng: Ruminating overthinking (hồi tưởng về quá khứ) và Worrying overthinking (lo lắng cho tương lai).

 Ruminating overthinking là khi một vấn đề đã diễn ra trong quá khứ và có kết quả nhưng bạn vẫn bận tâm, trăn trở về nó. Trong khi đó, Worrying overthinking là một sự kiện sắp diễn ra và trong đầu bạn nảy ra một chuỗi những tình huống tồi tệ có thể xuất hiện.

Overthinker không thể kiểm soát suy nghĩ của bản thân

Hầu hết trong chúng ta ai cũng từng một lần trở thành overthinker tại một thời điểm nhất định dù có thể ta không nhận ra điều đó. Một trong những biểu hiện cơ bản nhất của overthinking là suy nghĩ quá nhiều và tiêu cực hoá một tiểu tiết nào đấy, như một lời nói, một lời nhận xét bông đùa của đứa bạn, một quyết định sai lầm nho nhỏ của bản thân hoặc cũng có thể là một hành động vô tình của người khác. Nhưng tất cả những thứ tưởng chừng như rất nhỏ bé trong mắt người ngoài ấy lại khiến ta không thể dừng việc tìm kiếm nguồn gốc, nguyên nhân và kết quả cho những suy nghĩ của bản thân cũng như cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát nó. 

Overthinking thường xảy ra khi chúng ta bị quá tải công việc, bội thực deadlines. Overthinking cũng là một “người bạn thân quen” với những người quá cầu toàn, luôn chú ý đến tiểu tiết. Và đôi khi việc lo lắng, không tự tin vào bản thân, luôn sợ mình mắc sai lầm cũng có thể dẫn đến overthinking.

Quá tải deadline là một trong những nguyên nhân dẫn đến overthinking

Vậy overthinking có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của chúng ta?  

Overthinking ảnh hưởng đến chính bản thân mỗi người. Overthinker có khả năng mắc các bệnh về tâm lý, các vấn đề về sức khỏe thể chất cao hơn bình thường như rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm,… và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chính họ: chất lượng công việc, khả năng sáng tạo, hay khả năng giải quyết vấn đề. Không chỉ vậy, overthinking còn gây ra những rắc rối không cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình cảm,…

Overthinking ảnh hưởng đến những mối quan hệ xung quanh

Không chỉ chính bản thân overthinker mà cả những người xung quanh cũng có khả năng cảm thấy khó chịu, bực bội với nguồn năng lượng tiêu cực mà overthinker toả ra. Bởi vì đối với người yêu thương bạn, thì chỉ một tin nhắn, một hành động, một dấu hiệu bất thường của bạn cũng đủ để khiến họ trằn trọc cả đêm để suy nghĩ về sự thay đổi ấy, và chính họ cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải chạy theo những dòng suy nghĩ khó hiểu của bạn.

Tại sao chúng ta không thể ngừng overthinking?

Khi bạn bảo một overthinker hãy ngừng suy nghĩ đi thì chẳng khác nào đang bảo một người hướng ngoại nói ít lại, hoặc bảo một người vừa bị ngã là đừng đau nữa, việc đó về cơ bản là vô nghĩa. Overthinking vốn là một thói quen tâm lý, mà đã là một thói quen thì rất khó bỏ, thậm chỉ là chỉ có cách giảm dần chứ không thể ngừng lại hoàn toàn.

Không thể ngăn bản thân rơi vào trạng thái overthinking

Vậy làm thế nào thì chúng ta mới có thể khắc phục được “nan đề” overthinking ? Sau đây là một số lời khuyên nhỏ cho các bạn nhé: 

1. Hãy nhớ rằng những gì bạn nghĩ chưa chắc đã là sự thật

Chúng ta có thiên hướng tập trung vào những điều tiêu cực, vì não bộ của chúng ta được thiết kế để nhận diện những mối nguy. Nhưng hãy nhớ rằng đó vốn chỉ là những suy đoán khách quan của chúng ta điều đó vốn thực sự chưa xảy ra ở hiện tại, quá khứ hay cả trong tương lai.

2. Tìm ra giải pháp

“Kẻ thất bại tìm lý do, người thành công tìm giải pháp”.

Một trong những tác hại của overthinking là nó lấy đi rất nhiều thời gian của chúng ta và đưa ta vào ngõ cụt, vậy sao chúng ta không thử tìm lối thoát khỏi ngõ cụt ấy thay vì cứ luẩn quẩn mãi trong nó? Ví dụ như khi ta đang tưởng tượng xem sẽ hoàn thành công việc được giao tồi tệ như thế nào, thì thay vào đó hãy nghĩ xem làm thế nào để kết quả tồi tệ đấy không xảy ra.

Suy nghĩ về cách giải quyết

3. Chia sẻ

Overthinker là những người suy nghĩ quá nhiều, thậm chí là về cả những thứ chẳng liên quan đến bản thân. Vì vậy, họ luôn mang trong mình muôn vàn nỗi ưu phiền, luôn cẩn trọng trong từng lời nói, hành động của họ nên chẳng thể san sẻ đống tâm tư nặng nề đó cho ai. Nhưng hãy thử chia sẻ những suy nghĩ và lo lắng của bản thân với một ai đó mà mình tin tưởng, biết đâu điều đó lại giúp bạn giải tỏa đi hết những sự tiêu cực và suy nghĩ u ám trong lòng?

Tâm sự cùng bạn bè

4. Đánh lạc hướng bản thân

Nghiên cứu chỉ ra rằng vận động giúp giải phóng endorphin giúp ngăn ngừa lo lắng và trầm cảm, còn việc vẽ vời sẽ giúp chuyển những nguồn năng lượng dư thừa sẽ đi lên trên não chúng ta dần di chuyển xuống bàn tay của mình. Vậy nên, thay vì ngồi hoặc nằm yên một chỗ, lãng phí thời gian và năng lượng vào việc overthinking thì sao chúng ta không đi bơi, chơi bóng, đánh cầu lông, vẽ vời, đi chơi với bạn,…

Hoạt động nhiều hơn

Xã hội càng phát triển thì càng mất cân bằng, điều đó được thể hiện rõ nhất ở chính cuộc sống của con người, cùng với đó là hàng loạt các vấn đề về tâm lý. Nhưng mỗi người chúng ta vốn đều là một bông hoa tươi đẹp, đều xứng đáng được nâng niu, chăm sóc. Vì vậy, hãy học cách  yêu thương chính bản thân mình, đừng chỉ vì một vài điều không mong muốn mà làm tổn thương bản thân, đánh mất trạng thái cân bằng vốn có.