Đã ra đời cách đây khá lâu nhưng trong những năm gần đây, đi cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, phong trào “body positivity” ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nhất là khi những thông điệp tích cực về ngoại hình càng được đề cao. Mới chỉ nghe qua, phong trào body positivity dường như chỉ hoàn toàn mang đến những giá trị tốt đẹp. Vốn xuất phát từ mong muốn khuyến khích mọi người yêu bản thân và nâng cao sự tự tin, thế nhưng càng về sau phong trào này lại dường như đã dần lệch đi so với mục đích ban đầu mà nó hướng tới.

“Body positivity” là gì? Phong trào này ban đầu hướng tới điều gì?

Body Positivity đề cao sự yêu thương và hài lòng với bản thân

Trước đây, khi giới thời trang thường chỉ dùng hình ảnh những cô người mẫu cao ráo, mảnh mai để lấy làm tiêu chuẩn cho cái đẹp, những người có thân hình đẫy đà và thừa cân vô tình trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử. Mong muốn kiếm tìm sự bình đẳng và tích cực giữa mọi cơ thể, vóc dáng, khái niệm “body positivity” đã ra đời.

“Body positivity” là khái niệm chỉ việc yêu cơ thể của bản thân vô điều kiện, dù vóc dáng của bạn có ở bất kỳ hình thái nào đi chăng nữa. Phong trào này được bắt đầu vào năm 2012 và đã nhận được khá nhiều sự quan tâm vào thời điểm đó. Thông điệp “body positivity” được gửi gắm với mong muốn lan truyền sự tích cực đến với tất cả các cá nhân về việc phải yêu lấy và nâng niu chính bản thân mình thay vì bị ảnh hưởng quá nhiều bởi ý kiến của những người xung quanh hay tiêu chuẩn cái đẹp của xã hội. Phong trào này được ủng hộ cực kì mạnh mẽ nhất là khi xã hội ngày càng đấu tranh cho nữ quyền, sự bình đẳng giữa các giới tính và chủng tộc.

Tại sao phong trào này lại không thực sự hoàn hảo như chúng ta vẫn nghĩ?

   Body positivity movement đã bị thương mại hóa quá đà

Thông điệp liên quan tới phong trào này được gắn liền với vô vàn các quảng cáo sản phẩm

     Là một chủ đề rất được quan tâm và nhận được sự ủng hộ đông đảo, Body Positivity đã trở thành một mảnh đất màu mỡ để các nhãn hàng khai thác nhằm quảng bá sản phẩm. Thế nhưng khi thông điệp này đã bị sử dụng tràn lan, vô tình đã làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. 

     Vốn mang mong muốn để mọi người cảm thấy hài lòng, yêu lấy bản thân nhưng thông điệp này lại thường xuyên bị gắn với những sản phẩm như đồ dưỡng da, các sản phẩm detox giữ dáng,… Dường như mọi thứ đều được nhãn hàng khuyên dùng để “nâng niu, yêu thương bản thân”. Các sản phẩm được gắn liền với thông điệp này thường cam kết sẽ giúp khách hàng hài lòng với cơ thể mình, nhưng cũng đồng thời khiến họ chưa hài lòng với nó khi không có sự can thiệp của các món đồ nhất định. Lợi dụng việc mọi người hầu hết vẫn chưa thực sự hài lòng với bản thân mình trong thâm tâm, những chiến dịch thương mại đã đánh vào sự lo lắng của khách hàng và khiến họ cảm thấy mình cần phải sử dụng các sản phẩm nhất định mới là “biết yêu thương bản thân”. 

     Bởi vốn sự hài lòng và yêu lấy cơ thể thì phải xuất phát từ trong suy nghĩ của mỗi người chứ không phải là vật chất, sự thương mại hóa quá đà này đã khiến cho ý nghĩa của phong trào bị lệch lạc nghiêm trọng. 

Sự nổi tiếng của phong trào đã tạo ra áp lực phải tự thuyết phục về một điều bản thân vốn chẳng hề tin tưởng.

     Theo giáo sư Tâm Lý học tại Đại học Connecticut ở London, trong chúng ta luôn có một phần gắn liền với chủ nghĩa hoàn hảo. Với việc dù ở bất kì nền tảng nào chúng ta cũng nghe thấy những thông điệp giống nhau như “Hãy hài lòng với bản thân mình!”, “Cơ thể bạn luôn đẹp đẽ vô điều kiện, đừng cố gắng thay đổi bản thân”… Vô tình, chúng ta nhận lấy một áp lực rằng mình bắt buộc phải hài lòng với bản thân. Vốn chúng ta ai cũng có những đặc điểm chưa hài lòng trên cơ thể của mình, thế nhưng bởi những áp lực “yêu bản thân” ấy, nhiều khi chúng ta phải tự nhắc nhở, thuyết phục bản thân phải tin vào những điều đến chính bạn cũng chẳng thể tin tưởng. Thay vì cố gắng cải thiện khuyết điểm, trở nên tốt hơn thì chúng ta lại vô tình bắt ép bản thân phải yêu thương, chấp nhận mọi thứ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bạn cứ liên tục khẳng định về một điều tích cực mà bạn không hề tin tưởng, thâm tâm của bạn sẽ chối bỏ sự khẳng định này. Sau cùng, mọi thứ có thể sẽ phản tác dụng và khiến bạn càng thêm phiền não về cơ thể mình.  

Dù luôn cố thể hiện rằng mình hài lòng với bản thân ở hiện tại nhưng sâu thẳm đôi khi chúng ta không nghĩ như thế

Nghịch lý của “Body Positivity”

     Dù sự hài lòng về bản thân khiến cho cuộc sống của chúng ta bớt đi một gánh nặng, thế nhưng nó cũng lấy mất của chúng ta một điều vô cùng quan trọng, đó là động lực cải thiện bản thân. Body Positivity khiến chúng ta tin rằng luôn phải yêu cơ thể mình mọi lúc, dưới mọi điều kiện. Điều này dễ dàng khiến cuộc sống của ta chỉ quay xung quanh những mối quan tâm về cơ thể. Cũng chính vì vậy, ta dường như cảm thấy rằng chỉ cần mình biết yêu thương và hài lòng với bản thân là đủ. Ta chẳng còn động lực để tập thể dục nhiều hơn hay ăn uống lành mạnh hơn bởi suy nghĩ “Mình luôn hài lòng về bản thân cơ mà, sao lại phải cố gắng thay đổi nó”. Cơ thể không chỉ để thỏa mãn về mặt thị giác, về mặt thẩm mỹ, cơ thể chính là tấm gương phản chiếu sức khỏe của chúng ta rõ ràng hơn bất cứ điều gì. Chính lẽ đó, khi ta buông thả cho cơ thể hay “yêu thương” nó bằng lối sống không lành mạnh cũng chính là khi ta đặt sức khỏe của bản thân dưới nguy cơ tuột dốc bất cứ lúc nào.

Cho rằng hài lòng với bản thân là đủ, ta nói không cả với những hình thức cải thiện cơ thể

     Đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích phong trào này, bởi tuy nó bài trừ những tiêu chuẩn cái đẹp phi thực tế nhưng vẫn lý tưởng hóa một số hình thể nhất định. Mục đích ban đầu của phong trào Body Positivity là yêu cơ thể bản thân dưới mọi hình thức. Thế nhưng với sự ảnh hưởng của truyền thông, phong trào này dần trở thành phong trào lý tưởng hóa mẫu hình cơ thể mập mạp và thậm chí còn bị cho rằng gắn liền với “văn hóa béo phì”. Nhiều người ủng hộ body positivity tin rằng việc giảm cân là không chắc đáng vì nghĩ rằng đó là hành vi thể hiện sự xấu hổ đối với cơ thể mình. Bất kỳ cuộc thảo luận công khai nào về sức khỏe đều có những ý kiến lên án mặc dù mục tiêu thực sự của việc rèn luyện này là tạo nên một lối sống và cơ thể lành mạnh hơn. Hệ quả của việc này càng trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ béo phì ngày càng tăng. Theo kết quả của cuộc điều tra Dinh dưỡng của Bộ Y Tế năm 2019-2020, tỷ lệ thừa cân-béo phì tăng từ 8,5% lên 19,0% trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020. Phong trào này đã vô tình tạo ra hành động bình thường hóa những thói quen dẫn đến việc thừa cân và những hệ quả xấu nó mang lại cho sức khỏe. 

Dù cơ thể lý tưởng ở hai thời điểm là khác nhau những chúng ta vẫn đang lý tưởng hóa một số hình thể nhất định

Có hướng đi nào tối ưu hơn cho phong trào Body Positivity?

     Xuất hiện sau “body positivity”, vào năm 2015, Annie Poirier đã cho ra đời khái niệm “body neutrality”. Đây là một khái niệm thể hiện sự trung lập, không yêu cũng không ghét cơ thể mình. 

     Quan điểm này tập trung hơn vào việc cơ thể bạn có thể làm được gì hơn là việc nó trông như thế nào. Ví dụ như việc bạn muốn cơ thể mình cân đối, mảnh mai hơn vì biết lúc đó mọi hành động sẽ nhanh nhẹn hơn, hay là bạn muốn mình đầy đặn hơn vì bạn biết một cơ thể quá gầy gò sẽ không có đủ sức lực làm nhiều việc. Phong trào này tập trung vào việc một vóc dáng nhất định sẽ có thể mang đến cho bạn những giá trị thế nào thay vì việc nó sẽ nhìn thế nào trong mắt người khác. Quan điểm trung lập đưa đến cho bạn một góc nhìn sáng suốt hơn về cơ thể. Nói cách khác, Body Neutrality sẽ giảm thiểu sự tiêu cực hướng đến cơ thể nhất có thể chứ không ép buộc bạn phải yêu thương, chấp nhận nó vô điều kiện. Góc nhìn này sẽ giúp bạn không tiêu cực và cố gắng thay đổi cơ thể một cách cực đoan, cũng không quá buông thả bản thân mà là sự thấu hiểu cơ thể. Bạn biết điều gì có thể thay đổi để trở nên tốt hơn, điều gì là tốt nhất đối với cơ thể mình. 

Sự khác biệt giữa Body Positivity, Body Neutrality và Body Negativity

     Đối với rất nhiều người, để đi từ “Tôi ghét cơ thể mình” đến “Tôi yêu cơ thể mình hiện tại” dường như là việc không tưởng và mang đến rất nhiều áp lực. Nhất là đối với những người có hội chứng ăn uống hoặc những thói quen lâu năm khó bỏ, họ sẽ chỉ cảm thấy càng sầu não và bất lực hơn. Và Body Neutrality ở đây để thay đổi điều đó, thay vì bắt buộc bạn phải yêu cơ thể, chúng ta sẽ sáng suốt nhận biết những điều tốt nhất ta có thể làm để thay đổi những điều ta có thể. Bạn có thể thưởng cho bản thân một bữa ăn không lành mạnh vào hôm nay nhưng sẽ cố gắng ăn uống khoa học hơn hoặc tập thể dục vào những ngày sau đó. Miễn là bạn ý thức được những lợi-hại mà nó mang đến. 

                            Hãy yêu bản thân một cách sáng suốt!