” Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau “

Sống trong một tập thể, ta luôn khó tránh khỏi mẫu thuẫn. Nhưng thay vì giải quyết vấn đề trực tiếp như nói chuyện với nhau để tìm hiểu nguyên nhân thì nhiều học sinh hiện nay, đặc biệt là giới trẻ lại chọn cách mỉa mai bóng gió nhau. Và cuối cùng, sự việc không được giải quyết, tình bạn thì kết thúc.

Hiện tượng phổ biến trong giới học sinh: CÀ KHỊA.

Nói bóng nói gió

Nói bóng nói gió là gì? Theo nghĩa đen, nói bóng nói gió là không nói thẳng, trực tiếp, mượn chuyện xa xôi để người ta tự suy ngẫm rồi hiểu ý. Việc nói ẩn ý, ý nhị thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp, giúp người nói lẫn người nghe giữ thể diện cho nhau. Việc nói ẩn ý chỉ có tác dụng tích cực khi người nói thật tâm muốn góp ý hay khuyên giải một chuyện nào đó. Nhưng dường như, thế hệ trẻ ngày nay lại sử dụng cụm nói bóng nói gió như một cách để mỉa mai người khác.

Chỉ trỏ, nói xấu sau lưng trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết.

Văn hóa “ cà khịa” của giới trẻ

Đi liền với việc nói bóng nói gió là một văn hóa không biết từ bao giờ đã được giới trẻ tung hô và lấy làm thú vui – “ cà khịa”. Cụm từ này chỉ thật sự trở nên phổ biến bắt đầu từ đầu năm 2019, được tung hô bằng hàng loạt các page lớn trên Facebook và nhận được sự hưởng ứng lớn đến từ giới trẻ.

 Đây là cả một sự khó hiểu khi người ta bắt đầu tôn vinh văn hóa mỉa mai, nói xấu, sỉ nhục lẫn nhau. Càng khó hiểu hơn khi người ta bắt đầu chấp nhận văn hóa ấy như một điều hết sức bình thường và phổ biến. Người ta bắt đầu mỉa mai nhau, nói xấu nhau, nói kháy nhau thường xuyên, từ thế hệ học sinh đến người đi làm. 

 

Không ít nạn nhân chọn cách im lặng và chịu đựng khi phải đối diện với sự cà khịa.

Nếu để nhận xét, tôi sẽ gọi đây là một thứ văn hóa độc hại và mạt hạng. Vì nó làm con người biến chất, thiếu lòng bao dung, hẹp hòi và chỉ biết chấp nhặt những lỗi sai của người khác.

 Chỉ cần một người vẫn còn chấp nhận văn hóa ấy tồn tại, thì sẽ còn người thứ hai, người thứ ba và vô vàn người khác nữa. Bởi bản chất con người là động vật sống theo bầy đàn, khi ở trong một đám đông, một cá thể sẽ bị dẫn dắt hành động như số đông. Rất khó để một cá nhân phân biệt phải trái, đúng sai khi sống giữa một tập thể mà tất cả chỉ đi theo một ý kiến duy nhất. 

“ Chúng nó cũng mỉa mai, tại sao tao lại không thể làm vậy ?”

Học sinh là phần lớn nạn nhân của việc cà khịa.

Chấp nhận hay đào thải ?

Chừng nào ta còn cười khi mỉa mai người khác thì lúc ấy cái văn hóa này vẫn sẽ tồn tại. 

Rõ ràng không phải ai cũng ý thức được việc mỉa mai, nói bóng gió người khác là một hành động xấu. Đôi khi ta làm vậy vì người bên cạnh làm vậy, đôi khi ta làm vậy vì … ai cũng làm vậy mà có sao đâu. Nói ra một câu cạnh khóe người khác thật dễ dàng, nhưng ai biết được người nghe phải sẽ cảm thấy gì? Đã biết bao học sinh bị trầm cảm vì những lời nói bóng gió, biết bao người phải ôm mặt khóc chỉ vì những lời nói mà chúng ta lấy làm vui.

Văn hóa độc hại này đang dần giết chết mặt tốt trong một con người. Ta có thể làm một người bao dung độ lượng, một người lương thiện và không khẩu nghiệp, cớ sao phải chọn làm người ti tiện hèn hạ luôn nói ra những lời làm tổn thương đến người khác?

Dừng lại việc tung hô văn hóa cà khịa, dừng lại việc nói bóng nói gió để chọn lấy một mặt thiện lương cho tâm hồn và nhân cách chúng ta.

Hai học sinh chọn lựa thành thật nói chuyện và giải quyết tình huống với nhau.