Bạn là người thường xuyên để ý nhưng cũng thoải mái trong chuyện ăn mặc. Bạn đã từng mất cả giờ đồng hồ để chọn cho mình một outfit ưng ý để đi chơi? Bước chân vào quán với sự tự tin, mọi ánh mắt đổ dồn về phía bạn.
“Ê mày! Đứa kia mặc hàng fake!”
Bạn ngơ ngác một lúc, dù vẫn chưa hiểu rõ chữ “fake” là như thế nào nhưng chắc chắn chỉ một chữ “fake” ấy đã khiến sự tự tin bấy giờ của bạn thành sự tự ti và mặc cảm.
Vậy thế nào là Real, thế nào là Fake và thế nào là phong cách? Thời trang liệu có định kiến về hàng thật, hàng giả?
Hai mặt trái phải
Có người cho rằng: “Dùng hàng giả, hàng nhái là xúc phạm thương hiệu, là không tôn trọng công sức của người làm nên thương hiệu.”
Nhưng cũng có người phản đối: “Hàng Auth luôn đắt và có những món đồ mang mức giá trên trời, có nhiều người sẽ không có đủ tài chính. Hàng giả ngày nay nhiều nơi cũng rất chất lượng, làm y như hàng thật khó có thể phân biệt nổi nên điều này không làm ảnh hưởng quá lớn đối với nhãn hàng.”
Đồng ý với quan điểm đầu tiên, chủ thương hiệu đã phải dày công hun đúc ý tưởng vào từng bản thiết kế, lao lực làm việc hết công suất để cho ra đời những sản phẩm chất lượng nhất, ấy vậy chỉ bằng một vài thứ công nghệ đơn giản, “đứa con tinh thần” đã bị sao chép quá dễ dàng. Thương hiệu lớn đi kèm cùng với chất lượng, giá thành cao là thành quả của sự chăm chỉ và sáng tạo là điều rất đỗi hiển nhiên.
Nhưng nói thế cũng không phải bác bỏ ý kiến thứ hai. Xã hội càng phát triển, văn hóa thời trang cũng mạnh mẽ lan tỏa, con người ngày càng chú trọng trong chuyện ăn mặc. Cứ thế, con người ta cần phải bắt kịp thời đại, nâng cao giá trị bản thân từ khâu áo áo quần quần. Nhưng làm sao để không bị lạc hậu giữa dòng chảy miên man của những trào lưu phong cách, trong khi không nhiều người có đủ khả năng để chi trả cho những món hàng hiệu xa xỉ có giá trên trời? Người ta sẽ tìm đến những mặt hàng có giá “vừa túi tiền hơn”, đơn cử là hàng fake, tuy chất lượng không bằng nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu được theo đuổi thời trang.
Công cụ phân chia đẳng cấp
Trong thực tế, một bộ phận mọi người không sống vì thời trang mà hơn thua nhau ở hàng Auth và hàng Fake. Rất nhiều quan điểm đánh đồng những sản phẩm không xuất phát từ thương hiệu lớn là mặt hàng kém chất lượng, được làm giả mà không có đầu tư về chất xám, họ cho rằng những người sử dụng sản phẩm ấy là thiếu tôn trọng nghệ thuật và đang tiếp tay cho cái xấu lộng hành. Những định kiến ấy thấm dần vào tâm lí chung của mọi người, khiến đa số đều có lối suy nghĩ “À, nên lựa chọn sản phẩm có tiếng tăm, mang giá trị cao mới được công nhận”.
Sử dụng hàng Auth hay hàng Fake đều có rất nhiều mặt tốt cũng như mặt xấu, nhưng điều duy nhất tồi tệ là con người ta đánh giá nhau dựa vào Auth và Fake. Và đáng buồn thay, hiện tượng này lại xảy ra khá thường xuyên ở một bộ phận các bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Các bạn chia bè chia phái bằng cách định mức giá trị những gì các bạn ấy khoác lên người, thậm chí cô lập, bắt nạt, mạt sát những bạn có vẻ ngoài giản dị, đơn giản.
Đâu phải tự nhiên mà các trường học bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục ? Những hành động đạp lên người khác để làm mình làm mẩy ấy chỉ khiến bản thân bạn thật xấu xa và tồi tệ trong mắt mọi người.
Mở rộng phạm vi ra ngoài khuôn viên các trường học, ta vẫn bắt gặp những ánh mắt dè bỉu một người chỉ vì họ mặc hàng fake, hay ta vẫn nghe nhiều những lời dèm pha những items có giá trị thấp của một số bạn trẻ để nâng hẳn giá trị của bản thân các bạn ấy lên.
Những định kiến ấy vẫn cứ lớn dần, lớn dần bằng cách hấp thụ năng lượng của sự kiêu ngạo và lối suy nghĩ quá thiển cận.
Mất tiền, mất tình, mất tất
Thật vậy, những điều ấy dẫn đến khá nhiều hệ lụy, chẳng hạn như nhiều bạn trẻ chưa tự chủ được tài chính đã lấy tiền mồ hôi nước của bố mẹ đi săn hàng cao cấp, tự mình đạp đổ đi cơ ngơi sự nghiệp mà gia đình đánh đổi xương máu để cố gắng giữ gìn.
Các bạn vẫn dựa vào tiền của bố mẹ để chi trả cho các khoản đua đòi ấy nhưng lại cư xử như thể đồng tiền định giá con người ấy là do chính các bạn làm ra. Đây là một sự ngộ nhận vô lý và khiến người ta nhìn vào bạn rằng bạn là người không hiểu được giá trị của đồng tiền cũng như giá trị thật sự làm nên con người.
Rồi những chuẩn mực tiêu cực của cái Đẹp ra đời, áp đặt lên con người ta, khiến vẻ đẹp tâm hồn dần mất giá trị, thế vào đó là những vẻ đẹp lấp lánh của sự cầu kì nhưng đầy rẻ mạt.
Có những bạn trẻ thì bị nỗi ám ảnh chê cười dằn vặt bản thân mãi trong suy nghĩ “Mình chẳng là gì cả, mình không bằng ai và mãi không thể bằng người ta”.
Trường hợp đau lòng hơn là bị cô lập đến độ phẫn chí làm hại bản thân, vứt bỏ đi một cuộc đời còn biết bao tươi đẹp phía trước. Thời trang từng là phương tiện để chúng ta tự tin thể hiện cá tính và cái tôi nay đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.
Từ bao giờ mà Fake, Auth trở thành công cụ đánh giá cả một con người ?
Từ bao giờ ta đã quên đi rằng giá trị ở bản thân chính ta và bản thân mọi người là ở hai chữ “ĐẠO ĐỨC” chứ không phải là ở chữ “AUTH” ?
Nếu ta định giá người ta bằng đồ hiệu thì người ta hoàn toàn có thể định giá bản thân chính ta qua lối tư duy hạn hẹp và độc tài ấy.
Những chữ “CẦN”
CẦN học cách TÔN TRỌNG những gì người khác đang sở hữu và cách người ta sử dụng chúng.
CẦN phải LÊN ÁN trước những quan điểm sai lệch và thiển cận về thời trang.
CẦN có CÁI NHÌN ĐÚNG ĐẮN để đánh giá một con người.
CẦN CÂN NHẮC về lựa chọn thời trang cho mình rằng phải biết thế nào mới thật sự là ăn mặc đẹp: đó là mặc quần áo phù hợp với bản thân, hoàn cảnh gia đình, công việc, …
Thời trang hiện tại chỉ ít nhiều có định kiến về hàng thật hàng giả nhưng thời trang luôn có tiêu chuẩn về sự phù hợp. Bạn có thể tự do thoải mái thể hiện cá tính riêng nhưng điều ấy phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Thời trang là khi bạn tự tin và thoải mái với chính những gì bạn lựa chọn để khoác lên người. Không quan trọng là hàng Auth hay hàng Fake, cứ là chính bản thân mình bạn nhé!