Từ bao giờ, thức khuya đã trở thành thói quen khó bỏ trong đại bộ phận giới trẻ ngày nay. Nếu trước đây, việc thức khuya chỉ xuất hiện nhiều ở sinh viên hoặc những người đã đi làm thì hiện tại, ngay cả những bạn học sinh ở độ tuổi rất nhỏ cũng có thói quen làm việc, học tập vào đêm khuya. Tác hại của thói quen này đã được nhấn mạnh trên các nền tảng thông tin nhưng giới trẻ vẫn thường chủ quan, ỷ lại vào sức trẻ của mình mà đánh giá thấp độ nghiêm trọng của vấn đề. Nếu cứ tiếp tục lối sống không lành mạnh, tác hại của thức khuya sẽ không chỉ dừng ở những gì ta có thể lường trước. Biết là chúng ta luôn muốn cố gắng vì tương lai của bản thân, thế nhưng đến mức đánh đổi sức khỏe như vậy, có đáng không?

Bông hoa nhỏ muốn vươn tới mặt trời

Chắc chắn chúng ta đều quen thuộc với những lời khuyên từ những người xung quanh

   “0:00 sáng

 – Các deadlines đều đã xong rồi, còn bài tập nữa thôi.

     2:00

– Cuối cùng cũng xong hết, đã định hôm nay sẽ đi ngủ sớm cơ mà. Thôi để mai cố gắng hoàn thiện mọi thứ sớm hơn vậy.

 Không chỉ một vài lần, việc thức đêm dậy sớm đã trở thành thói quen của mình. Gia đình mình đã nhắc nhở rất nhiều, thậm chí đã từng có những cuộc tranh cãi vì mọi người đều phản đối gay gắt thói quen này. Biết rõ về tác hại của nó nhưng dù cho đã tự nhắc bản thân thay đổi, mình vẫn thất bại trong việc sửa chữa nó. Việc không thể thay đổi thói quen cũng đã khiến mình tự cảm thấy rất tồi tệ và bất lực. Có những lúc mình thắc mắc rằng: Mình có cần phải cảm thấy tệ như vậy với chính mình không? Dù thói quen ấy không tốt, nhưng chấp nhận tổn hại một chút sức khỏe để đạt được mục tiêu, đáng chứ?”

Có điều gì đằng sau những đêm sáng đèn

Khi còn bé, ta hay ước có cuộc sống mộng mơ như những nàng công chúa cổ tích, hay sức mạnh đặc biệt như các siêu anh hùng. Khi lớn lên, mỗi chúng ta lại mang trong mình những khát vọng khác nhau và lấy chúng làm mục tiêu để phấn đấu. Khát khao ấy có thể là một cuộc sống tự do, một cuộc sống no đủ sung túc, hay đôi khi chỉ là mong muốn có thể chăm lo cho những người mình yêu thương. Dù ước mơ ấy có là gì, để có thể chạm tay tới cột mốc ấy, ta biết rõ rằng chỉ có một cách duy nhất: nỗ lực.

Khát khao chạm đến ước mơ chính là nguồn năng lượng lớn nhất thúc đẩy ta nỗ lực

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta tự nhận thức được rõ hơn về tương lai, về trách nhiệm của bản thân. Ta lớn lên, áp lực cuộc sống ngày một đè nặng; chúng ta đều biết mình phải tự cố gắng, tự nỗ lực vì đam mê và ước mơ của bản thân. 

Những ý thức ấy chính là nguồn động lực lớn lao truyền cho ta sức mạnh làm việc, học tập không ngừng nghỉ. Đôi khi, hào quang của lý tưởng ấy sáng chói đến mức làm những điều xung quanh lu mờ, xoa dịu cả những mệt mỏi về thể chất. Trên chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, chúng ta vô tình quên một thứ vô giá: sức khỏe. 

Bên cạnh sự nỗ lực để vươn tới ước mơ, đôi khi nguyên nhân dẫn tới việc ta phải làm việc tới đêm khuya lại là những thói quen tiêu cực. Một trong những nguyên nhân tiêu biểu nhất chính là “căn bệnh trì hoãn”. 

Dù biết bao việc vẫn cần hoàn thành, ta vẫn không thể kiểm soát bản thân khỏi những thú vui trước mắt

Có những ngày không phải là không có thời gian, chỉ là ta đã lỡ dùng những lúc rảnh trong ngày để thư giãn, làm những việc không quan trọng và dồn tất cả công việc vào cuối ngày. 

Đã bao giờ bạn đặt mục tiêu hoàn thành công việc, nhưng khi vừa bắt đầu lại có thể vì một thông báo mới trên điện thoại mà dành ra cả tiếng đồng hồ sau đó chỉ để lướt mạng xã hội. Đối mặt với công việc ngổn ngang, chúng ta lại càng dễ mất động lực và cho phép bản thân mình “nghỉ ngơi” thêm một chút, rồi lại một chút. Để rồi khi đến cuối ngày, ta không còn cách nào khác ngoài việc hi sinh giấc ngủ của mình để hoàn thành những công việc đáng lẽ có thể hoàn thành sớm hơn. 

Dù biết trì hoãn là không tốt, nhưng chúng ta vẫn hay tự bào chữa cho bản thân với suy nghĩ: “Dù làm gì trước, cuối cùng mọi công việc đều hoàn thành là được không phải sao?” Đúng, ta gồng mình làm việc hết sức vào cuối ngày như vậy, tất nhiên những điều cần làm vẫn sẽ được hoàn thành, thế nhưng ít khi ta ý thức được mỗi lần như vậy sức khỏe của ta lại bị hao mòn đi một chút. 

Sự nhận thức khi phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt

Chỉ khi những hậu quả tồi tệ thật sự đến, ta mới bừng tỉnh nhận ra mình đã sai.

 Những bài báo nói về tác hại của ngủ muộn không ít, những người xung quanh cũng từng nhắc nhở mình vô số lần. Dù biết rõ lối sống của mình không lành mạnh nhưng đứng trước những việc còn dở dang, mình luôn tự nhủ: “Chỉ nốt hôm nay nữa thôi”. Cho dù đi ngủ muộn đến mấy, với mọi nhiệm vụ đã được hoàn thành, mình luôn cho rằng bản thân đã rất năng suất và rất nỗ lực. Cứ nghĩ với những cố gắng ấy, cuộc sống của mình sẽ tốt hơn thôi nhưng …Không!

 Mọi chuyện hoàn toàn không đi theo hướng mà mình mong muốn. Thiếu ngủ, sáng nào mình cũng cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng. Với lý do đã chăm chỉ vào đêm hôm trước, mình tự cho phép bản thân được xao nhãng vào lúc các lớp học diễn ra. Cứ như vậy, cho dù mình vẫn nghĩ bản thân đang làm rất tốt, nhưng điểm số trên trường ngày càng tụt xuống do thiếu tập trung, những biểu hiện sức khỏe mình kém đi cũng ngày một rõ. Mình đã cố gắng như vậy, đến mức luôn cảm thấy mệt mỏi vậy mà không những không tiến về phía trước mà còn thậm chí thụt lùi đi sao? Mình … sai rồi sao?”

 “Để đạt được điều gì ta phải chấp nhận hi sinh một thứ khác”- suy nghĩ ấy đã an ủi chúng ta rằng muốn tiến lên phía trước thì phải chấp nhận đánh đổi, và chúng ta đã chấp nhận đánh đổi sức khỏe. Nhưng sức khỏe là nền tảng, là điều cho phép khả năng của ta phát huy được tối đa. Nếu hy sinh sức khỏe vì công việc, không những thể chất chúng ta ngày càng kém mà những mục tiêu có lẽ cũng chẳng thể đạt được. Có một câu nói: “Người ta đánh đổi sức khỏe vì tiền, rồi sau này lại lấy tiền để mua sức khỏe”. Tiền trong câu nói này chỉ là một ví dụ cho lý tưởng khác nhau của mỗi người. Thế nhưng điều không thay đổi đó là tầm quan trọng của sức khỏe. Ta hy sinh nó để đạt tới đỉnh cao sớm hơn, nhưng không có sức khỏe ta cũng chẳng thể tận hưởng được cảm giác đứng trên đỉnh cao. Hi sinh như vậy, đáng không?

 Thức khuya rất dễ khiến chúng ta rơi vào cảm giác “nỗ lực ảo”. Vào thời điểm cuối ngày, không gian tĩnh lặng, mọi người xung quanh đang nghỉ ngơi, những cố gắng làm việc vào thời điểm ấy cho chúng ta cảm giác bản thân đang rất chăm chỉ, rất nỗ lực nhưng nhiều khi không phải vậy. Chỉ là chúng ta đã lựa chọn trì hoãn những công việc ấy đến những phút cuối thay vì lựa chọn hoàn thành nó vào ban ngày, khi những người xung quanh cũng đang cố gắng. 

Hãy dừng chân để nhìn lại

 Chúng ta luôn mang một nỗi sợ hãi vô hình với khái niệm “dừng lại”. Dù biết rõ lối sống hiện tại không lành mạnh, sắp xếp thời gian cũng chưa hợp lý nhưng chúng ta vẫn luôn né tránh việc dừng lại để nhìn lại cuộc sống. Nỗi lo không thể bắt kịp bạn bè, hay cảm giác bản thân sẽ tụt lại phía sau mọi người xung quanh đã làm chúng ta gồng mình cố gắng một cách mù quáng. Tưởng rằng mình đang tiến về phía trước mà không nhận ra rằng sự cố gắng mù quáng ấy chỉ đang khiến chúng ta lún sâu hơn vào đống hỗn độn của cuộc sống.

 Những lời khuyên về tác hại của thức khuya hay những lần tự nhắc nhở bản thân phải đi ngủ sớm có lẽ sẽ chẳng bao giờ có hiệu nghiệm. Những lời nói ấy chỉ đề cập đến mặt nổi của vấn đề; bởi dẫu biết ngủ muộn là không tốt, khi đối mặt với lựa chọn đi ngủ hay hoàn thiện nốt công việc, cảm giác tội lỗi trong mỗi chúng ta sẽ khiến ta hèn yếu cho bản thân thêm một cơ hội. Cứ thế, vòng lặp này sẽ chẳng thể kết thúc. Thay vào đó, đừng chỉ nhắc bản thân không nên làm gì, ta hãy dừng chân để nhìn nhận và thấu hiểu được những nguyên nhân sâu xa cuốn ta cuốn vào vòng xoáy này. Nỗ lực của chúng ta là “thật” hay “ảo”; chúng mang lại kết quả hay chỉ là cảm giác của chính mình? Trả lời được những câu hỏi ấy sẽ giúp ta tìm ra cách giải quyết.

Hãy chủ động kiểm soát công việc, đừng để nó quyết định nhịp sống của ta!

Những khoảng “dừng” trong cuộc sống sẽ khiến chúng ta nhận ra điều gì xứng đáng để cố gắng và điều gì không bao giờ nên mang đi đánh đổi. Dẫu cuộc sống không thể tránh khỏi sự hy sinh, đánh đổi, nhưng ta hãy lựa chọn thật sáng suốt!