Tệ nạn xã hội – bóng ma đang dần xâm nhập vào các thế hệ, mọi lứa tuổi và tầng lớp, ai cũng có thể là nạn nhân của chúng. Góc tối đáng sợ ấy đã xâm nhập vào cánh cổng trường, phòng học và những cô cậu học trò. Lứa tuổi mới lớn luôn hiếu động và khao khát khám phá, tự tìm hiểu những thứ mới lạ, chính vì vậy cũng rất dễ sa ngã.
Lời mời gọi
“Thử một lần cho biết đi nhóc!”
“Làm điếu thì mới bằng bạn bằng bè được chứ!”
“Nhát gan không dám thử chứ gì?”
Cả hội bạn cười nói, thách thức tôi và có cả sự chế nhạo, coi thường. Chúng tôi chơi với nhau từ khi mới chập chững bước vào mái trường chung, từ khi mà họ vẫn chỉ là những cô cậu học trò ngoan ngoãn biết nghe lời. Nhưng bây giờ đã khác, những đứa bạn của tôi giờ chẳng thể cưỡng lại những thứ đồ kích thích, độc hại. Bóng ma đáng sợ kia đã lôi kéo nhóm bạn của tôi vào con đường tăm tối mang tên tệ nạn xã hội.
Chỉ mặt đặt tên
Tệ nạn xã hội là hiện tượng tiêu cực của xã hội được thể hiện qua lối sống, hành động lệch chuẩn xã hội hiện nay, vi phạm đạo đức xã hội và thậm chí là vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả xấu cho đời sống xã hội và ảnh hưởng đến cộng đồng.
Tệ nạn xã hội không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các chất kích thích, chất cấm, gây tổn hại đến bản thân và cộng đồng, mà còn là những hành vi vi phạm quy chuẩn, chuẩn mực xã hội như hành hung người khác, tiếp thu các văn hóa phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan, cờ bạc, mua bán dâm,… Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi gây ra, tiếp tay thực hiện tệ nạn xã hội đều xứng đáng bị lên án, phê phán và chịu sự trừng phạt thích đáng.
Những bóng ma tệ nạn len lỏi khắp nơi trong trường học, từ những đồ dùng học tập trá hình, những cô cậu học trò bướng bỉnh, những góc khuất trong sân trường,… thậm chí nó còn lôi kéo cả những giáo viên trong trường học.
Lối mòn tư duy
Cầm điếu thuốc lên là để cho bằng bạn bằng bè, để ra oai với người khác, uống được nhiều rượu bia là để thể hiện mình mạnh mẽ,… chúng ta đưa bản thân vào con đường tăm tối chỉ để đổi lại độ nể, sự kính phục từ mọi người. Thử hỏi rằng như vậy có xứng đáng? Làm thế có thực sự nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người hay chỉ là nụ cười khinh thị từ họ?
Đôi khi chúng ta không tìm đến tệ nạn để đua đòi theo đám bạn mà còn là vì mong muốn được giải quyết nỗi buồn trong trong cuộc sống. Mỗi cô cậu học sinh đều phải gánh trên mình những trách nhiệm và lo toan. Những kỳ vọng từ gia đình, thầy cô, áp lực từ điểm số, từ bạn bè,… đến dồn dập và khiến các thiếu niên trẻ tìm đến các biện pháp giải tỏa chẳng mấy tích cực.
Sau mỗi lần điểm kém, bất hòa với bố mẹ hay thậm chí là chia tay một mối tình sâu đậm,… tất cả đều góp phần khiến chúng ta rơi vào bẫy của cám dỗ tệ nạn. Mỗi khi buồn chán, bế tắc, hay chỉ đơn giản là chán nản, muốn trải nghiệm cảm giác mới lạ, ta tìm đến những điếu thuốc, lon bia, trò chơi may rủi,… để mong được giải tỏa, gác lại hết những muộn phiền âu lo.
Nhưng trở về thực tại, liệu rằng chúng có thể xua tan hết những vấn đề cuộc sống mà ta đang phải giải quyết hay chỉ là một cảm giác độc hại nhất thời?
Hậu họa
Bóng ma tệ nạn dần ăn mòn con người đặc biệt là thế hệ trẻ – miếng mồi béo bở dễ dàng lôi kéo vào con đường sa ngã. Chỉ cần vài lời mời chào của chúng bạn, của mùi hương, cảm giác mới lạ,… đã có thể dẫn lối cho những người trẻ vào ngõ cụt tăm tối, sa ngã. Những cô cậu học sinh, sinh viên mới lớn đang chập chững vào đời bị chúng mời gọi lấn vào lối mòn nghiện ngập, sự suy đồi đạo đức, nhân cách,…
Trong môi trường sư phạm, sự xuất hiện của tệ nạn xã hội là vô cùng nguy hiểm và đáng báo động. Khi những mầm non tương lai của đất nước bị ảnh hưởng sẽ mang đến những hậu quả khôn lường.
Tác hại của những con ma đáng sợ kia chẳng bao giờ lộ diễn rõ ràng mà ngấm dần vào con người chúng ta. Có lần một thì cũng sẽ có lần hai, cứ lặp lại những hành động ấy rồi dần dần thành thói quen và rất khó để dứt ra được khỏi lối sống suy đồi về đạo đức ấy. Bóng ma tệ nạn theo chân ta dai dẳng, bào mòn sức khỏe vật chất và tinh thần trong thời gian dài để rồi thứ còn sót lại duy nhất chỉ là những điều tiêu cực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, hủy hoại cả một đời người.
Phòng tránh
Ai cũng biết rằng tệ nạn xã hội rất đáng sợ và cần tránh, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh để thoát khỏi những cám dỗ ngọt ngào, những lời mời gọi hấp dẫn kia. Bản thân mỗi người phải luôn cảnh giác và tránh xa tệ nạn xã hội để bảo vệ chính mình, gia đình và cả cộng đồng. Nếu chúng ta đủ lý trí và kiên định thì sẽ chẳng có lời dụ dỗ nào thành công cả.
Hãy luôn nói không với những cám dỗ và giữ bản thân mình an toàn. Đừng vì cảm giác sĩ diện của bản thân, sự tò mò muốn thử cảm giác lạ, một nỗi buồn trong cuộc sống hay một mối tình sâu đậm mà đi lệch hướng. Trước khi quyết định sẽ làm điều gì đó, hãy nghĩ về gia đình, bạn bè và những người xung quanh, nghĩ về hậu quả mà hành động của mình gây ra. Mỗi chúng ta đều có một tương lai rộng mở, đừng vì những phút bốc đồng của tuổi trẻ mà phá hỏng tương lai phía trước.