Bướm đêm là một loài u buồn. Vài loài trong số chúng sống nương nhờ nước mắt. Chúng chỉ độc ăn và uống thứ ấy.
Sách cũ từng định nghĩa bướm đêm, rằng “bất cứ con gì từ từ, lặng lẽ ăn, tiêu thụ và lãng phí bất kì thứ gì khác, chính là bướm đêm”.
Mờ mịt, mất phương hướng, lang thang trong đêm, phảng phất một nỗi buồn thênh thang vô tận. Không gì bằng một chiều sầu, nhấm nháp ly ủ rũ cùng điểm tâm buồn bã, lặng ngắm bướm nhỏ đáp lên mắt em. Thì thầm. Nói nhỏ. Vì nỗi buồn thực đẹp!
Nỗi buồn nặng tựa chì
Nỗi buồn là gánh nặng theo một nghĩa nào đó. Bản thân nỗi đau buồn (grief) còn mang nghĩa vật nặng, bắt nguồn từ một từ tiếng Anh thời trung cổ (gref), có nghĩa là “nặng”. Chẳng có gì lạ khi những người mang nỗi buồn thăm thẳm luôn trông có vẻ như đang khoác lên vai tâm trạng nặng nề.
Nỗi buồn thường bị xua đuổi. Người ta thường thù địch với sự buồn bã trong các chiến dịch quảng bá, truyền thông; và cả các cuốn sách self-help cũng thường có riêng một mục “làm gì để chống lại chán nản cho người mới” trong đó.
Ấy thế mà tại sao những bài nhạc, ca khúc thất tình lại hay đến thế, tại sao những bộ phim tình cảm sướt mướt, Sad Ending thường chiếm trọn trái tim người xem đến vậy. Có lẽ bởi một phần bản năng trong ta yêu thích và tận hưởng việc nhấm nháp vị trầm ấm của buồn bã.
Tiểu tiết và khiếu hài hước
Có lẽ lời nhắn nhủ này chính là một phép ẩn dụ rõ nhất về sự đau buồn, chạm vào sợi dây rung động của những người đa cảm. Vì với một người, những tiểu tiết nhỏ ém trong mình một công tắc, trấn giữ dòng cuộn cảm xúc gào thét trong lòng.
“Thật kỳ lạ: một người có thể kìm lại nước mắt và ‘cư xử’ rất ổn trong những giờ phút đau buồn khó khăn nhất. Thế rồi bỗng dưng có ai đó làm ký hiệu thân thiện với bạn đằng sau cửa sổ, hay một lá thư rơi ra từ ngăn kéo, bạn nhận ra một bông hoa hôm trước chỉ mới cuống nụ đã bất ngờ nở rộ … và mọi thứ sụp đổ.” – Trích Một ý niệm về nỗi buồn
Gen Z có một cái thú, đó là thích đem sự đau khổ, bất hạnh của bản thân làm trò đùa. Mà âu cũng chẳng lạ, vì khiếu hài hước tạo trò đùa trong những tình huống nghiêm trọng là một bản năng phòng vệ cảm xúc của con người, gọi là “khiếu hài hước chiến đấu”. Bảo vệ bản thân từ những cảm xúc tiêu cực bằng cách chạy trốn hoặc chỉ tạm nghỉ, ngừng suy nghĩ về vấn đề mà nó đem lại.
Người ta chỉ ra, những diễn viên hài thường là những người mang nỗi đau nặng nề, bởi hầu hết sự hài hước của họ đến từ nơi tối tăm.
Đừng buồn vì mình buồn
Ta hiểu bản thân hơn khi buồn: sự buồn bã cũng là một dạng thành thật với cảm xúc, cũng là bước đệm cho lòng trắc ẩn với bản thân. Khi sầu, ta thường muốn làm gì đó. Nghe một bản nhạc? Xem một bộ phim? Viết nhật ký? Khỏa lấp được nhu cầu nào đó khi buồn để tìm được thứ gì mang niềm vui cho mình thật sự.
Biết mình buồn, là biết mình đang mệt mỏi. Chấp nhận nỗi buồn là chấp nhận mình cần nghỉ ngơi. Lắng nghe nội tâm than vãn bao giờ cũng tốt hơn vò nát nhăn nhúm phiền muộn vứt vào sọt rác.
Vẻ đẹp của đời buồn.
Những cảnh vật, đồ vật và các sinh linh sống mang tông màu trầm buồn thường mang một vẻ quyến rũ kỳ lạ. Bạn có thích bướm không? Bướm đêm thì sao? Cái loài mà mang cả một bầu trời đêm gói gọn trong từng nhịp cánh ấy, bạn có cảm nhận được hơi thở của lạnh lẽo cô đơn khi chúng lướt qua không?
Thật ra trong cuộc sống, ta nên trân trọng hơn những khi sầu đời. Bản thân trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cũng là một loại “self-help” tự phát. Ôm một mớ nỗi niềm vào lòng, nhưng đừng nuôi chúng lớn lên. Một cô gái u sầu mang vẻ đẹp của u sầu, nhưng nếu cô ấy cố ôm trọn nỗi buồn vào trong lòng và quá đắm chìm vào những mảnh vỡ đầy tiêu cực ấy thì chúng sẽ khiến cô ấy mất đi vẻ đẹp vốn có kia. Nỗi buồn chỉ đẹp khi nó là cảm xúc, chứ không phải là những viên thuốc quá liều.
Cái đẹp chẳng bao giờ là xấu xa, cái đẹp khi buồn thì lại càng không. Vì thế chẳng có gì xấu khi ta buồn. Chỉ là giữa tâm dòng xoáy cảm xúc, đừng lỡ mất những vẻ đẹp bên trong, những bài học đáng nhớ, để ta luôn trân trọng từng phút giây được sống, được hạnh phúc hơn.