Được du nhập vào Việt Nam cách đây không lâu, không khó để bắt gặp những bạn trẻ Việt với mái tóc dài, tết lọn và trang trí bằng nhiều phụ kiện màu sắc như chỉ, hạt gỗ, vòng bạc,… Họ có thể là vũ công hiphop, người chơi nhạc rock, ca sĩ, diễn viên,… Tuy nhiên, dạo gần đây trên cộng đồng mạng xuất hiện một cuộc tranh luận về nguồn gốc, lịch sử và ý nghĩa của Dreadlocks, đồng thời liên quan trực tiếp tới việc các bạn trẻ sử dụng kiểu tóc này. Vậy bản chất và những luồng quan điểm trong cuộc tranh luận này là gì?
- Dreadlocks là gì? Nguồn gốc và lịch sử của Dreadlocks?
- Dreadlocks còn có tên gọi khác là tóc bện thừng. Nó là kiểu tóc gồm những lọn tóc nhỏ được tết lại với nhau để tạo thành những búi nhỏ riêng biệt. Thông thường tóc Dreadlocks sẽ tết toàn bộ mái tóc nhưng cũng có nhiều biến tấu khác nhau.
- Về nguồn gốc, theo nhiều nguồn đáng tin thì câu hỏi này thực sự đến nay chưa có câu trả lời bởi qua các bằng chứng khảo cổ học và cả các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, người ta chỉ có thể kết luận rằng Dreadlocks đã tồn tại trong nhiều thời đại ở nhiều nền văn minh và nhiều dân tộc khác nhau.
- Lịch sử Dreadlocks được cho là bắt nguồn sớm nhất từ năm 3600 trước CN tại Hy Lạp. Đặc biệt, nó gắn bó mật thiết nhất với thời kỳ nô lệ đen tối của người da đen. Kiểu tóc Dreadlocks giúp họ giấu những hạt ngô, hạt lạc, lương thực bên mình để tránh sự kiểm tra của những người da trắng khi còn chịu chế độ nô lệ. Bên cạnh đó, kiểu tóc này giúp người da màu giải quyết vấn đề gội đầu vì Châu Phi thường trong tình trạng thiếu nước và có khí hậu nóng nực.
2. Các luồng quan điểm
- Cuộc tranh luận được nổ ra khi một tài khoản trên nền tảng TikTok bày tỏ ý kiến cá nhân đối với các bạn trẻ sử dụng kiểu tóc Dreadlocks là “không phù hợp”, “cultural appropriation” (tạm dịch: chiếm dụng văn hóa) cũng như khuyên nhủ các bạn nên tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử của kiểu tóc thay vì chỉ coi nó là một cách để thể hiện mình “hiphop”.
- Trái ngược lại, có nhiều người trẻ là MC, rapper,… thuộc giới nghệ thuật đã phản bác lại ý kiến trên và cho rằng sử dụng một kiểu tóc không có nghĩa là “chiếm dụng văn hóa” mà đơn giản chỉ dựa trên sở thích và phong cách của mỗi người. Các bạn trẻ có Dreadlocks đều không có ý xúc phạm tới một biểu tượng của nền văn hóa người da màu.
3. Vậy cuộc tranh luận này đã đi đến đâu?
- Sau rất nhiều những ý kiến đa dạng của cộng đồng mạng, một tài khoản TikTok có tên “@tien.chungg” đã upload một loạt video về góc nhìn của những người da đen đối với vấn đề này. Có thể nói rằng một bộ phận người da màu cảm thấy thoải mái với việc những người da trắng hoặc da vàng để kiểu tóc Dreadlocks, tuy nhiên vẫn có một bộ phận còn lại không ủng hộ và khuyến khích việc này bởi sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng việc các bạn trẻ sử dụng kiểu tóc Dreadlocks là phụ thuộc vào phong cách sống và sở thích của mỗi người.
Tuy nhiên, tốt hơn hết, chúng ta cần tìm hiểu về một nét văn hoá trước khi đem lòng yêu thích nó. Nếu bạn mặc một chiếc Áo Dài hay Kimono, Sari,… thì hãy thử tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của nó. Những điều thú vị về văn hoá tại các quốc gia sẽ làm bạn bất ngờ và cảm thấy thích thú hơn bao giờ hết!