Cùng với sự hội nhập quốc tế, lựa chọn sau cấp 3 của các bạn học sinh ngày càng rộng mở. 3 năm cày cuốc đèn sách với ước mơ lựa chọn một trường đại học “top” trong nước, tìm kiếm học bổng du học ở một môi trường hoàn toàn mới và khác biệt, hay táo bạo hơn là lựa chọn “gap year” nửa năm, một năm để tìm kiếm bản thân, giờ đây không còn là những khái niệm xa lạ. Tuy nhiên, phần lớn các bạn trẻ vẫn tự hỏi đâu mới là cánh cửa tương lai phù hợp nhất với bản thân mình?

Du học: ước mơ lớn nào cũng có sự đánh đổi

Cái lợi của du học, hỏi bất cứ học sinh cấp 3 nào cũng có thể nhận được những câu trả lời tích cực như, “môi trường học tập có tính thực tiễn cao, giúp sinh viên chủ động trong việc tìm tòi và phát triển vốn kiến thức của mình”, “giáo sư và sinh viên tôn trọng nhau, không bao giờ có kiểu điểm danh đầu giờ như đại học trong nước”, quan trọng hơn là “sau này tốt nghiệp cầm trên tay tấm bằng quốc tế lấp lánh, thuận tiện cho xin việc, còn chưa kể cơ hội trải nghiệm văn hóa mới lạ, gặp gỡ bạn bè bốn phương, mở rộng mối quan hệ”,.. Quả thực, du học đã luôn là lựa chọn lựa lí tưởng mà hầu hết các bạn học sinh đều mơ ước. Nhờ hội nhập và toàn cầu hóa, ước mơ du học cũng không còn là một vấn đề quá khó khăn nữa, nhưng có bao giờ các bạn thử “đi ngược chiều”, ngẫm xem du học có thật sự hào nhoáng như cái tên của nó không.

Môi trường học tập cởi mở, có tính thực tiễn cao, nâng cao khả năng kiếm việc làm sau khi ra trường, có thể trải nghiệm nền văn hóa mới là 3 lợi ích nổi bật của việc đi du học.

Mới đây nhất, CNH Spotlight may mắn có cơ hội được trò chuyện cùng thầy giáo Lê Trung Kiên, du học sinh tại trường Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), top 150 trường đại học trẻ trên thế giới (theo Times Higher Education), người đã và đang sát sao trong hành trình ôn luyện của đội tuyển Anh về vấn đề du học nóng bỏng, được khá nhiều CNHer quan tâm.
CNH Spotlight chúng em rất hân hạnh có buổi chia sẻ cùng thầy ạ. Thầy có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm đi du học của mình được không ạ?
– Trước hết, để hòa nhập nhanh thì nền tảng ngôn ngữ và tinh thần vững vàng là điều quan trọng nhất. Tiếp theo, phải luôn nỗ lực bền bỉ và hết sức chủ động trong mọi việc vì cuộc sống ở nước ngoài không giống như ở nhà, mọi thứ đều khó khăn và đôi phần mệt mỏi hơn trước. Khi mình xa gia đình, ở một môi trường hoàn toàn khác và có những đòi hỏi cũng rất khác, thì việc chủ động trong mọi việc từ sinh sống sinh hoạt đến học tập là thiết yếu.
Vậy thầy thấy đi du học có những khó khăn cơ bản nhất nào?
– Như thầy đã nói, mình phải hoàn toàn tự lập, tự lo cho cuộc sống và việc học tập của mình, khi không có ai nhắc nhở mình “Hôm nay làm bài chưa?” hay quan tâm xem mình đã ăn đủ chưa hay ngủ đủ chưa. Khi bị ốm, bạn sẽ chẳng có ai ở bên cạnh chăm sóc, thậm chí vẫn phải tiếp tục đi làm thêm để trang trải cuộc sống… Tất cả đều phải chủ động trên mọi công việc thì cái đấy đã là một khó khăn, nhất là khi mình vừa rời cấp ba, vẫn quen xung quanh nào gia đình bạn bè thầy cô đôn đốc nhắc nhở mỗi ngày mỗi giờ.
Vậy, thầy thấy khi về Việt Nam thì mình có mặt nào “nhích” hơn so với bạn bè trong nước không?
– Không nhất thiết, nhưng du học sinh vẫn có một số lợi thế nhất định. Mình đã được tiếp cận với cách tư duy, cách làm việc khác hiện đại hơn mà khoảng vài năm sau nước mình mới được du nhập về từ phương Tây.
Ngoài ra, du học còn vô số những khó khăn bạn bắt buộc phải đối mặt.
Du học sinh luôn bị “gánh nặng cơm áo gạo tiền” xoáy cho hoa mắt váng đầu. Đồng tiền trở nên nặng và có giá trị hơn bao giờ hết, bởi kể cả khi các bạn có học bổng, tiền sinh hoạt như tiền ăn, uống, thuốc men,…vẫn phải chi trả; sau này có khi là tiền nhà khi không được ở trong kí túc xá tiện nghi của trường nữa. Tỉ giá ngoại tệ luôn thay đổi nhanh đến chóng mặt, chi quá tay một hôm cũng có thể khiến bạn húp mì suốt tháng. Nhiều lúc tủi thân và băn khoăn lắm, mình chi trả một số tiền lớn cho việc du học như vậy, những không biết sau này so với chúng bạn trong nước có hơn không, hay là bớt?

Nhiều người lại cho rằng, chính những áp lực ấy mới giúp ta trưởng thành hơn, học được nhiều kĩ năng, kiến thức cần thiết hơn.

Du học sinh có học bổng “nửa phần, toàn phần” cũng có nỗi khổ riêng khi lúc nào cũng phải cố gắng giữ học bổng. Suy nghĩ biến thành áp lực, dù biết mục đích là học tập nhưng gò lưng ở giảng đường quên ăn quên ngủ cũng chẳng sung sướng vui vẻ gì. Ngày thi cử đến gần thì ngày càng áp lực và nặng nề hơn bao giờ hết.
Mặc dù không đáng kể, song vẫn có những du học sinh phải chịu những cú sốc văn hóa, vùng miền, con người, dẫn đến những cú sốc về tinh thần mà mấy tháng rồi vẫn không thể vượt qua, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới học tập và sức khỏe, khiến gia đình không yên lòng.
Ngoài ra, những năm gần đây, du học đang có xu hướng bị biến thành một phong trào khi nhiều người cố gắng bằng được để đi du học mặc dù gia đình không đủ khả năng, sức học không thể theo kịp chương trình nước ngoài. Đi chỉ vì muốn được “bằng bạn bằng bè”, cha mẹ thì có thêm lí do để được “nở mày nở mặt” với họ hàng làng xóm. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, hầu hết học sinh Việt Nam đều chỉ đỗ vào các trường đại học tầm trung, số lượng được các trường top đầu nhận vào là rất ít.

Liệu có nên chọn đại học trong nước? 

Những vấn đề được cho là hóc búa trong cuộc sống du học sinh đối với sinh viên trong nước lại trở nên vô cùng dễ giải quyết khi nhận được nhiều sự trợ giúp từ những người xung quanh và học phí lại chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài. Nhiều bạn học sinh lại cảm thấy quyết định học tập trong nước vô cùng đúng đắn khi hiện nay, nhiều trường đại học trong nước cũng đã bắt đầu áp dụng hệ thống tín chỉ trong quá trình giảng dạy, cũng như mời nhiều giảng viên danh tiếng về để nâng cao độ chuyên sâu của các bài giảng. Đặc biệt hơn, với những ngành đặc thù như sư phạm, y dược hay an ninh, du học có khi lại là một quyết định sai lầm.

Hiện nay, một số trường đại học lớn ở Việt Nam đã xây dựng được những chương trình học theo chuẩn quốc tế, tấm bằng đại học trong nước trở nên có giá trị không kém gì tấm bằng của du học sinh.

Nhưng, du học hay học trong nước, tấm bằng đại học đều phải được quyết định từ kết quả của quá trình tự học, tự cố gắng. Khi bản thân muốn tiếp thu thì với lượng thông tin cùng những phát triển về công nghệ hiện nay, học ở đâu cũng sẽ không còn là vấn đề quá quan trọng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một trường đại học phù hợp với bản thân vẫn vô cùng khó khăn, sự tìm hiểu kĩ càng cùng sự tư vấn đúng đắn luôn luôn cần thiết.

Gap year: Một khái niệm hoàn toàn khác

Với nhiều bạn học sinh, gap year có lẽ đã không còn là một khái niệm xa lạ. Đây là khoảng thời gian “xả hơi” khỏi áp lực học hành sau 12 năm đèn sách, trước khi bước vào đại học một cách chính thức.Thông thường, gap year kéo dài 1 năm. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và sở thích của mỗi người mà gap year có thể kéo dài từ một vài tháng đến 1 năm, thậm chí 2 năm với những hoạt động khác nhau như đi du lịch, làm thêm, bắt đầu học một điều mới hay chỉ đơn giản làm những gì mình chưa thế làm. Bất luận kéo dài bao lâu, nhìn chung, gap year là quãng thời gian khi bạn quyết định “nghỉ giữa hiệp” trước một vài mốc sự kiện quan trọng trong cuộc đời (như đại học, việc làm….).
Theo dòng thời gian, gap year dần dần trở thành một xu hướng của giới trẻ: từ bỏ những áp lực để dành 1 năm tận hưởng cũng như tìm hiểu thêm về chính bản thân mình và cuộc sống xung quanh.

Gap year là thời điểm hoàn hảo để trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu giá trị bản thân theo một cách hoàn toàn mới.

Thế nhưng, gap year cũng cần một sự can đảm nhất định bởi không phải ai cũng có thể chấp nhận chậm một năm so với các bạn đồng trang lứa về học tập, sự nghiệp hay các mối quan hệ. Hơn nữa, lựa chọn gap year đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, lớn nhất là khó khăn về tài chính, áp lực từ gia đình và bạn bè.
Dù kết quả của gap year của hầu hết các bạn sinh viên thường tích cực với ngọn lửa hừng hực ý chí để bước đến đại học, song, một kế hoạch cụ thể và thực tế luôn cần thiết cho một gap year thực sự có ý nghĩa và có ích cho đời.
suitcases vintage luggage deeply rooted magazine road trip photoshoot travel wander maps adventure photography

Vậy còn chần chờ gì nữa, xách ba lô lên và đi thôi nào!

Kết

Vậy đâu mới là sự lựa chọn chính xác nhất cho những học sinh cấp 3 vừa kết thúc kì thi đại học? Mỗi người đều có những tính cách, đặc điểm khác nhau để phù hợp với những lựa chọn khác nhau. Không ai có thể thay bạn quyết định con đường của bản thân. Tuy nhiên, không cần biết lựa chọn ấy là du học, đại học trong nước hay gap year, mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta đều là để học được điều mới, và để tiến gần hơn với thành công trong cuộc sống.
Lev. Tolstoy từng nói “Cần phải lựa chọn một cách nghiêm ngặt xem nên học gì và không nên học gì” và lựa chọn nằm ở bạn. CNH Spotlight mong rằng các bạn có thể tìm ra quyết định đúng đắn của riêng mình.