Lớp 1. Vì rụt rè mà không được làm lớp trưởng. Lớp 6. Vì tự ti mà không tham gia đội văn nghệ. Lớp 9. Vì sợ trượt mà không đăng kí thi vào ngôi trường yêu thích. Những ngần ngại, những âu lo cứ thế cản bước ta đi tới thành công. Suốt cuộc đời, có biết bao lần ta phải thốt lên rằng: “Mình đã có thể làm được.”, nhưng “mình” đã không làm. Tất cả đều bắt đầu từ hai chữ “không dám”.

Thật gần mà cũng thật xa

– Ai lên bảng làm đúng bài này sẽ được 10 điểm.

Bạn biết cách giải bài này, nhưng lại chẳng đủ tự tin để giơ tay. “Lỡ mình làm sai thì quê lắm.”, “Đáp số không đẹp thế này!” – những lo lắng cứ quấn lấy bạn. Một cánh tay khác giơ lên. Bạn học đó lên bảng, bài giải giống y hệt những gì bạn viết trong nháp. 10 điểm cho lời giải đúng, nhưng không là của bạn. Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho việc chúng ta thường vì thiếu tự tin mà đánh mất những thứ tốt đẹp đáng mình có thể đạt được.

Thiếu tự tin khiến bạn mất đi nhiều thứ hơn bạn nghĩ

Cơ hội chỉ tới trong khoảnh khắc. Nếu ở khoảnh khắc đó, bạn dám thử, dám bắt lấy cơ hội thì bạn có thể đạt được thành công và những gì bạn mong muốn. Khi bạn dám thử, dám làm, không phải không tồn tại những rủi ro, nhưng có khả năng thành công. Tuy nhiên, nếu bạn không dám, khả năng đạt được ước muốn của bạn là 0. Đôi khi, bức tường ngăn cách giữa bạn và thành công chỉ là hai từ “không dám”. Bức tường ấy rất mỏng và dễ đổ nhưng không phải ai cũng có thể bước qua.

Mỗi thất bại là một bài học, không gì hơn một bài học.

Một trong những lí do lớn nhất khiến một người trở nên rụt rè và e ngại chính là (những) thất bại trước đó. Từ nhỏ đến lớn, không ai là không phải trải qua những vấp ngã. Vấn đề không phải bạn đã ngã, mà là bạn đã học được gì từ cú ngã đó và bạn có dám đứng lên đi tiếp hay không. Phải đến khi bị điểm kém thì một cậu học sinh ham chơi mới biết chú tâm hơn vào học. Nhiều người, sau khi nếm mùi thất bại, quyết định từ bỏ và dần trở nên rụt rè vì sợ thất bại một lần nữa. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ biết họ đã bỏ lỡ những gì. J.K.Rowling – tác giả của tiểu thuyết Harry Potter nổi tiếng – đã bị từ chối bởi 12 nhà xuất bản trước khi Bloomsbury đồng ý xuất bản sách của bà. Nếu bà dừng lại sau 12 lần thử, hay thậm chí là ngay lần đầu tiên cánh cửa của nhà xuất bản đóng lại trước mặt bà, thì liệu bà có bao giờ dám mơ tới một ngày bản thân trở thành một nhà văn tỷ phú như bây giờ không? Thất bại không đáng sợ, đáng sợ là khi thất bại khiến bạn gục ngã.

Đừng sợ thất bại

Bạn có thể làm được. Hãy tự tin lên!

“Kinh nghiệm cho bạn biết phải làm gì, sự tự tin cho phép bạn làm điều đó.” – Stan Smith. Bài toán này bạn đã làm qua rồi? Bạn đã tập luyện kĩ càng cho buổi văn nghệ rồi? Bạn có bằng đại học trong lĩnh vực này rồi? Vậy còn chần chừ gì mà không giơ tay lên bảng ngay lập tức, không ra sân khấu để mọi người xem bạn tỏa sáng, không ứng tuyển công việc tốt hiếm có kia? Bạn có tất cả rồi, chỉ cần thêm một chút tự tin nữa thôi. Nhưng nếu bạn chưa có kinh nghiệm, chưa từng thử qua thì sao? Không sao. Miễn là bạn tin rằng bạn có thể làm được, bạn sẽ làm được.

Tự tin lên, bạn có thể làm được

Dám thử thách bản thân cũng là một cách để khám phá chính mình. Việc gì cũng có lần đầu. Trước khi chơi bóng đá, có cầu thủ nào biết mình giỏi môn này không? Tất cả mọi cơ hội đều đáng được tận dụng. Hãy bỏ lại sau lưng những thất bại trước đó, những nghi ngờ bản thân. Hãy cho phép bản thân nắm lấy cơ hội.

Đừng ngại. Sẽ tiếc.

Nếu bạn đang băn khoăn không biết có nên đăng kí tham gia câu lạc bộ nổi tiếng của trường không, đăng kí đi. Bạn có thể là mảnh ghép họ đang tìm kiếm. Đừng bỏ qua cơ hội tô màu cho cuộc sống cấp 3.

Nếu bạn đang cảm nắng một ai đó, hãy chọn thời điểm thích hợp để nói ra những cảm xúc đó. Biết đâu họ cũng thích bạn? Sẽ thật buồn nếu sau này bạn mới biết người đó đã từng có tình cảm với bạn, lúc này đã quá muộn rồi.

Thích là phải nói

Bạn được đề nghị một công việc mới ở một thành phố khác với mức lương cao hơn hiện tại nhưng ngại thay đổi chỗ ở? Tại sao bạn không thử cho bản thân cơ hội trải nghiệm môi trường mới? Đời người hữu hạn, hãy trải nghiệm cuộc sống khi còn có thể.

Mạnh dạn hơn một chút, tiếc nuối vơi đi một chút.

Chưa thử sao biết là không thể? Đừng nói “Giá như…” nữa. Hãy hành động để không phải hối hận, bởi nếu có thất bại thì cũng đã cố gắng rồi, không có gì phải hối tiếc cả.