“Trên mạng bữa nay có vụ này nổi lắm, mày biết chưa?”

“Mày check-in ở quán Mixue mới mở chưa?”

“Ê có mẫu kính mới ra, hot lắm, mày mua chưa?”

Đã bao giờ bạn cảm thấy bản thân thật lạc lõng trong các cuộc trò chuyện, đã bao giờ bạn cảm thấy bản thân không bằng bạn bằng bè, không bắt kịp với xu thế của xã hội? Bạn biết không, cái cảm giác lạc lõng, cảm giác bị bỏ lại ấy có thể trở thành nỗi sợ hãi bất kì lúc nào. Bởi trong chúng ta luôn tồn tại một thứ cảm xúc thôi thúc ta phải dốc sức đuổi theo dòng chảy của cuộc đời – một chất kích thích mang tên FOMO!

Khi nghe đến FOMO, có thể bạn còn đôi chút lạ lẫm nhưng thực chất ai trong chúng ta cũng đã, đang và có thể sẽ mắc hội chứng FOMO. FOMO là từ viết tắt của Fear Of Missing Out, hiểu nôm na sang tiếng Việt có nghĩa là “nỗi sợ bị bỏ lỡ”. FOMO là một cơ chế sinh tồn đặc biệt, mặc định, hay nói cách khác “chạy theo người khác” là hành vi sinh tồn bản năng của loài người. Vậy nên FOMO luôn tồn tại và ít nhiều làm ảnh hưởng những hành vi của ta. Nếu bạn có những giây phút “hùa theo đám đông” mà chẳng chậm lại một chút để suy nghĩ xem tại sao mình lại làm như vậy, hay đó có phải việc mình thực sự thích không, thì đó là bởi FOMO – một nỗi sợ vô hình luôn tồn tại trong tiềm thức đang thôi thúc bạn chạy theo những thứ hào nhoáng của mọi người đấy!

Nỗi sợ trở thành “kẻ ngoài cuộc” trong mọi câu chuyện khiến ta luôn phải ép mình chạy theo những gì người khác có

Bạn đã bao giờ thắc mắc, tại sao từ xa xưa, khi loài người còn đang trong thời kỳ đồ đá, đã không có một cá nhân nào tách khỏi bầy đàn của mình hay chưa? Đó là bởi nếu như anh ta sống tách khỏi bầy của mình thì nhiều khả năng anh ta sẽ chết đói hoặc bị thú dữ ăn thịt. Vậy nên bản chất của FOMO không xấu. Thậm chí ở thời tiền sử, việc “hùa theo đám đông” như vậy lại là một việc làm để cứu rỗi mạng sống của chúng ta, làm ta cảm thấy an toàn hơn.

Sau hàng ngàn năm con người tiến hóa, xã hội phát triển, giờ đây tôi và bạn, chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại và văn minh, một xã hội của các cuộc Cách mạng Công nghiệp. Thời đại 4.0 – một đặc ân nhưng cũng là một lời nguyền cho những ai sống ở thời đại đó. Bởi, giờ đây, có quá nhiều tác nhân khiến cho FOMO có thể đẩy chúng ta đến những cảm xúc tiêu cực một cách dễ dàng.

Ta cứ luôn phải thấy hàng ngày hàng giờ trên mạng những người có “cuộc sống trong mơ” mà ta hằng mong ước. Từ những người bạn của mình đang check-in tại những địa điểm hot hit, các anh chị lớp trên khoe đỗ các trường top đầu với điểm số cao chót vót, đến những người nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ – tất cả những trải nghiệm ấy đều thu hẹp lại trong chiếc điện thoại của ta, đập vào mắt ta mỗi ngày. Mỗi khi trông thấy những hình ảnh như vậy cũng là lúc FOMO được dịp trỗi dậy, làm cho ta cảm thấy khó chịu, bực tức, ghen tị, tác động không nhỏ đến suy nghĩ và hành vi của ta. Vậy nên đôi khi trong cuộc cuộc sống ta thường có những quyết định hoàn toàn dựa trên cảm tính chứ không phải nhu cầu thực tế hay mong muốn thực sự của bản thân.

Đúng vậy không, bạn cứ thử ngẫm lại xem…

Giờ đây, chỉ cần ta chợp mắt một lát, thức dậy đã là vô vàn những drama mới, những trend mới xuất hiện. Vậy là FOMO vốn đã chực chờ trong người ta lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nó khiến ta cảm thấy khó chịu đến vô cùng, thôi thúc ta phải hành động, dẫn đến tình trạng một thế hệ trẻ lạc lối đang bị kiểm soát bởi FOMO – một nỗi sợ trong tiềm thức. FOMO dường như đang thao túng tâm lý chúng ta, khiến ta thay vì định hình cá tính, phát triển thế mạnh của bản thân thì lại liên tục cập nhật những drama, bắt những trend trên Tik Tok, hùa theo những xu hướng mới và luôn tìm cách biến bản thân thành người khác. Kết quả là chúng ta không bỏ lỡ bất cứ một trend nào nhưng lại bỏ rơi chính mình: bỏ lại chính chất riêng, niềm yêu thích, niềm đam mê, cả định hướng cá nhân và chính kiến của bản thân.

Liêu chúng ta có đang quá mải mê chạy theo những xu hướng mà bỏ quên chính mình?

Có thể thấy FOMO – một cảm giác vốn thuộc về bản năng đang dần đi chệch ra khỏi quỹ đạo ban đầu của nó. Thay vì giúp ta có được cảm giác an toàn thì giờ đây việc “hùa theo đám đông” lại khiến ta cảm thấy căng thẳng và bị hòa tan. Nếu để FOMO kiểm soát ta thì thực sự rất nguy hiểm. Nó khiến ta lo lắng về tương lai cũng như không vui ở hiện tại, làm sức khỏe tinh thần của ta bị suy nhược, khiến ta mất tự tin thậm chí tệ hơn còn khiến ta quá áp lực mà dẫn đến trầm cảm.

Bạn biết không, FOMO vốn thuộc về bản năng, vậy nên ta sẽ chẳng bao giờ loại bỏ được nó và thực chất ta cũng không cần phải loại bỏ FOMO. Bởi, bản chất của FOMO không xấu, chỉ là nếu bạn không có đủ nhận thức để kiểm soát bản thân thì FOMO sẽ chi phối bạn. Nếu như bạn biết mình là ai, biết giới hạn của mình ở đâu thì FOMO sẽ chỉ là một thứ cảm giác thôi thúc sự cầu tiến trong bạn. Nhưng ngược lại nếu bạn không thể kiểm soát hành vi của mình, không đủ sức kéo mình ra khỏi dòng chảy xiết của thế giới ảo thì FOMO sẽ sinh ra nhiều loại cảm xúc tiêu cực trong bạn như đố kỵ với người khác và mặc cảm về bản thân, làm đảo lộn cuộc sống và tâm hồn bạn. Vậy nên việc kiểm soát bản thân để FOMO không thể “nuốt chửng” mình là vô cùng cần thiết!

Cuộc sống này còn nhiều điều tươi đẹp mà có lẽ chúng ta đang bỏ quên đấy!

Chắc bạn đã có không ít lần mệt mỏi vì cứ phải chạy theo những trend trên mạng xã hội, chạy theo sở thích của bạn bè, chạy đến những nơi bạn không thật sự muốn đến,… Bạn à, bạn không cần ép bản thân làm những việc mình không thích đâu, hãy để FOMO là một loại bản năng để bảo vệ bạn, là một loại động lực thôi thúc bạn phát triển, thay vì khiến nó trở thành một gánh nặng. Kiểm soát bản thân để kìm hãm FOMO chứ đừng để FOMO lấn lướt và khống chế lại bạn, bởi ta chẳng đủ sức “chạy” theo nhiều điều đến thế!