Hãy tưởng tượng khi bạn đang sống vui vẻ hạnh phúc với gia đình, bạn bè và người thân thì “cơn ác mộng” xuất hiện. Chúng bắt bạn đến một nơi hoàn toàn xa lạ, chúng đánh đập, tra tấn và chuốc thuốc bạn đến khi bạn nghe lời chúng và cuối cùng khiến bạn trở thành thú mua vui cho những kẻ khác. Nghĩ thôi cũng đã thấy ám ảnh đến rùng mình rồi. Nhưng thực tế thì sự việc này lại xảy ra như một lẽ thường tình đối với những “con mồi” được đoàn xiếc ngắm đến. Vậy đâu mới là lối thoát cho những con vật đáng thương ấy?

Những cơn nổi loạn trong tuyệt vọng 

Ít ai trong chúng ta biết rằng vào năm 1994 từng có một nàng voi đến từ châu Phi – Tyke – đã nổi loạn giết chết người huấn luyện sau gần 20 năm bị giam cầm. Tyke bị xích 22 giờ mỗi ngày, và trong suốt khoảng thời gian còn lại nó phải tham gia các buổi huấn luyện, đầy tiếng la hét, mắng mỏ và lạm dụng. 

Sau khi giết người huấn luyện và làm người chăm sóc của mình bị thương, voi Tyke xông ra khỏi sân diễn, chạy lung tung trên đường phố Honolulu trong khoảng nửa giờ. Những gì xảy ra tiếp theo là những nỗ lực hoảng loạn để ngăn nó hại chết bất kỳ ai khác. Sau đó rất nhanh, Tyke bị cảnh sát truy lùng.

Hứng 87 phát đạn, Tyke gần như gục xuống chết ngay trên đường phố Hawaii. Những người được cử tới dọn xác của con vật cho biết, mắt của Tyke đọng đầy nước mắt.

Cho đến năm 2010, một nữ huấn luyện viên đã bị giết chết khi đang biểu diễn với “học trò” của mình – chú cá voi sát thủ Tillikum, trong show “Ăn tối cùng Shamu” tại SeaWorld, nơi các vị khách vừa thưởng thức bữa ăn ngoài trời vừa xem cá voi sát thủ biểu diễn.

Nữ huấn luyện viên đã bị kéo xuống hồ một cách nhanh chóng và dữ dội, khiến cô bị đuối nước. Tệ hơn nữa, chuyển động giật của con cá voi nặng tới 6 tấn đã khiến hàm của Brancheau bị vỡ, đầu gối và cánh tay của cô bị trật khớp, đốt sống và xương sườn bị gãy. Nhân viên điều tra cũng xác định rằng tủy sống của Brancheau đã bị cắt đứt trong vụ tấn công, và da đầu của cô tuột hoàn toàn khỏi đầu.

Vậy đâu là nguyên do của những sự việc kinh hoàng trên ?

Sự nổi loạn đáng sợ của những con thú ấy bắt nguồn từ đâu?
Nguồn ảnh: Charitypaws.com

Địa ngục trần gian 

Mải trầm trồ, thích thú trước những màn nhảy qua lửa, nhào lộn, đi xe đạp hay đu quay,… của những “diễn viên” xiếc tài năng mà chúng ta ít biết đến nỗi thống khổ của chúng phía sau sân khấu. Để mang lại tiếng cười cho khán giả, những con thú phải trải qua quá trình đào tạo vô cùng khắc nghiệt.

Nhằm vạch rõ nỗi thống khổ của những con vật bị ép làm diễn viên xiếc, tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (ADI) tại Anh từng đột nhập vào một trường “đào tạo khỉ” và ghi lại cảnh huấn luyện ở đây. Nội dung đoạn phim cho thấy chúng phải sống trong những chiếc lồng chật hẹp, tồi tàn. Mỗi khi thấy người, tay của những con khỉ này chìa ra như van xin. Một số con liên tục phá lồng và tìm cách mở ổ khóa. Nhiều con khỉ nằm bất động trong lồng. Chúng kiệt sức vì bị hành hạ quá mức.

Cuộc sống của những chú khỉ gói gọn trong chiếc lồng chật hẹp
Nguồn ảnh: pledge4wildlife.org

Tài liệu của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) thực hiện tại một số rạp xiếc của Trung Quốc đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng về cách con người đối xử với động vật tàn tệ như thế nào, vì những gì diễn ra tại đây cũng đúng với rất nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. 

Lấy một ví dụ với màn biểu diễn xiếc gấu đi hai chân, trồng cây chuối. Đầu tiên, cần biết rằng động vật sinh ra không tự nhiên biết diễn xiếc. Gấu có thân hình đồ sộ, khả năng giữ thăng bằng ở mức trung bình và chẳng có lý do gì khiến chúng thích đứng bằng 2 chân cả. Thế nhưng bằng những cách thức huấn luyện tàn nhẫn, con người đã biến gấu thành những “diễn viên xiếc đại tài”.

Chỉ sau khi chào đời vài tháng, nếu ở trong thiên nhiên hoang dã, những chú gấu con này vẫn chưa rời mẹ, thì ở rạp xiếc chúng đã bắt đầu bị huấn luyện. Theo tài liệu của PETA, những chú gấu con sẽ bị xích vào một chiếc móc treo trên tường, với độ dài chỉ vừa đủ để chúng chạm được 2 chân sau xuống đất. Chúng sẽ bị bắt buộc phải đứng bằng hai chân trong nhiều giờ đồng hồ. Mệt cũng không thể nghỉ, vì nếu hạ chân xuống, chúng có thể ngạt thở mà chết. Cứ như thế đến bao giờ chúng chịu và quen đứng bằng hai chân thì thôi.

Các chuyên gia từ PETA cho biết, việc bắt gấu đứng như vậy sẽ khiến cơ thể chúng phải chịu những vấn đề như viêm khớp, thậm chí là hoại tử hoặc bại liệt.

Nỗi đau vô tận đằng sau ánh hào quang trên sân khấu
Nguồn ảnh: The Sun

Thậm chí có nhiều con vật còn bị nhổ sạch răng và móng một cách đau đớn để tránh việc chúng khiến người huấn luyện bị thương. Điều này rất dễ dẫn đến các nguy cơ nhiễm trùng lợi, xương hàm và vùng mũi, đồng thời cũng làm mất đi những bản năng tự nhiên của động vật hoang dã. Đã thế, sau khi về già, khi không còn có thể biểu diễn được nữa, những con thú sẽ bị nhốt ở những khoảng tối nhất, không được quan tâm, thậm chí bị bỏ đói cho đến chết.

Giá trị thực sự tồn tại hay chỉ đơn giản là ngụy biện 

Nghiên cứu độc lập của một thành viên nhóm nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã tại Đại học Oxford đã cho biết “không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các rạp xiếc đóng góp được vai trò gì trong việc giáo dục hay bảo tồn động vật”. 

“Thậm chí nó còn đem lại những tác động tiêu cực”, theo các tổ chức bảo tồn, “khi làm vậy, con người chỉ nghĩ đơn giản là chứng tỏ con vật cũng làm được nhiều trò giống người nhằm mua vui, mà không hề biết rằng đối với động vật, việc làm đó là “mất mặt”, biến chúng thành thứ để mua vui, công cụ chứ không phải là một sinh vật bình đẳng, sản phẩm của tạo hóa ở thế giới này” – nhà hoạt động vì động vật Nguyễn Tâm Thành thuộc tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) phân tích. 

“Bắt ép thú phải bắt chước con người là thú mua vui tàn nhẫn. Xem xiếc thú có thể tác động tiêu cực đến suy nghĩ của trẻ rằng con người muốn làm gì với động vật cũng được.” – Tiến sĩ Khuất Thu Hồng giải thích.

Không có lí do gì để xiếc thú tồn tại
Nguồn ảnh: FOUR PAWS in Australia

Có nhiều cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng sau khi được trả về với thiên nhiên  thì những “diễn viên bắt buộc” ấy đã không thể làm quen được với môi trường hoang dã và nhanh chóng chết đi. 

Những “diễn viên” đáng thương đã không còn cơ hội được sống trong môi trường mình vốn thuộc về
Nguồn ảnh: sweden.se

Tuy nhiên, khác với nhiều ý kiến chuyên gia, Hiệp hội Các đoàn xiếc châu Âu (ECA) – một tổ chức phi chính phủ lại cho rằng người ta đến rạp xiếc để học về động vật, về nhu cầu cần bảo vệ chúng trong cuộc sống hoang dã. Tuy nhiên, thực tế không phải rạp xiếc nào ở các nước đang phát triển cũng có thể làm được điều đó.

Giải thoát

Nhận thấy tính vô đạo đức và trái với tự nhiên của xiếc thú, nhiều nơi trên thế giới đã cấm hoàn toàn xiếc thú. Cùng với Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hy Lạp, Costa Rica, Ấn Độ, gần đây Bolivia đã trở thành nước mới nhất cấm sử dụng động vật, dù là ở nhà nuôi hay hoang dã, để làm xiếc. Năm 2010, Anh đã cấm sử dụng voi, sư tử và những loài động vật hoang dã khác vào các trò xiếc, và chỉ cho phép dùng các loài được nuôi trong nhà như thỏ, mèo, chó. 

Lệnh cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc hoặc áp dụng đối với một số loài động vật nhất định đã được ban hành toàn quốc tại Trung Quốc, Úc, Cộng hòa Séc, Malta, Slovakia, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Pêru và Israel.

Hầu hết tuổi thơ của ai cũng hiện hữu hình ảnh xiếc thú. Chúng ta đều phấn khích, say mê và thích thú khi thấy những con vật hoang dã lại có thể hành động như con người. Nhưng khi lớn lên, nhận thấy rõ những điều rùng rợn, man rợ sau sân khấu chói loá đó thì liệu có còn ai có thể vô tư xem xiếc thú được nữa không ? Voi, hổ, gấu, sư tử, hà mã,.. chúng vốn không phải những “gã hề” trong rạp xiếc mà là những cá thể độc lập, có tập tính và bản năng của riêng mình. 

Hãy xây dựng cho bản thân một nhận thức đúng đắn về xiếc thú để có thể bảo vệ nền sinh thái tự nhiên của môi trường, bảo vệ động vật và bảo vệ nền giải trí đang mất dần tính nhân văn.