Mỗi người học sinh khi đến trường luôn mang trong mình trách nhiệm phải học tập thật tốt, đạt thành tích cao để đạt được nhiều điều mong muốn. Nhưng đã bao giờ, con đường ấy lại trở nên quá khó khăn, và bạn thì lại cảm thấy quá mệt mỏi để bước tiếp? Đã bao giờ, bạn nghĩ rằng mình chẳng còn muốn đồng hành cùng cây bút và những trang sách nữa?
Ai trong chúng ta cũng đều hiểu rõ rằng việc học là việc cả đời, quyết định toàn bộ tri thức và trình độ cũng như khả năng của một con người. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách để học tập hiệu quả trong một thời gian dài mà không bị mất đi niềm hứng khởi hay cảm hứng khi học tập.
Hiểu như thế nào về “cảm hứng học tập”?
Cảm hứng được hiểu là một trạng thái cảm xúc hứng thú, hưng phấn về một việc nào đó, thường mang ý nghĩa tích cực.
Nguồn cảm hứng có thể không trực tiếp tạo nên kết quả học tập nhưng lại là yếu tố không thể thiếu giúp ta có thể sáng tạo trong mọi tình huống, biết tìm cách hợp lý nhất để giải quyết những câu hỏi đặt ra. Bên cạnh đó, cảm hứng trong học tập còn giúp chúng ta biết học một cách hệ thống, khoa học và thông minh. Ngoài ra, con người ta khi có cảm hứng sẽ biết yêu thích những môn học và luôn thể hiện bản thân một cách tốt nhất trong mọi giờ học, từ đó dẫn đến những thành tích học tập xứng đáng.
Có phải lúc nào cảm hứng ấy cũng hiện hữu trong ta?
Cảm hứng học tập đến với ta ngay cả trong những lúc mà ta không ngờ tới, và bất cứ điều gì, sự vật, sự việc nào cũng có thể trở thành một nguồn cảm hứng. Ví dụ như đôi khi, cảm nhận từng chiếc lá rơi nhẹ trên khoảng không cũng khiến ta có thể viết được cả một bài văn dài, hay như sự biến đổi của thời tiết, của hiện tượng thiên nhiên khiến chúng ta tò mò và muốn học Địa lý. Thích học là một chuyện, có học được hay không lại là chuyện khác. Nhiều khi, lượng kiến thức quá lớn đến từ đủ các môn học dễ khiến chúng ta nhụt chí, và ngủ gục ngay cả trong những tiết học.
Khi cảm hứng trong học tập bị mất đi, bạn sẽ nhận thấy bản thân mình vô cùng uể oải và buồn chán. Đó là khi tiết học cứ mãi kéo dài ra, là lúc kim đồng hồ hết 45 phút của một giờ học cứ mãi chẳng dịch chuyển hay là khi giấc ngủ cứ cận kề. Nhiều bạn học sinh vẫn sẽ nghĩ: “Kệ, không học lên mạng chép bài là được”. Nhưng khi ta học mà không hiểu sâu vấn đề, dần dần rồi kiến thức sẽ bị trống rỗng, và bạn không nghe được những giải đáp của thầy cô hay bỏ lỡ những mẹo làm bài tập… Từ đó, kết quả thi cử cứ dần dần mà tuột dốc không phanh.
Giải pháp nào để lấy lại cảm hứng trong học tập?
Người xưa thường nói: “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Chính vì vậy, mỗi khi bạn cảm thấy con đường từ bản thân mình tới bài giảng quá là khó khăn, hãy tự hỏi xem bạn đã cố gắng hay chưa. Hãy tạo nguồn cảm hứng cho riêng mình, tìm cách yêu việc học nhiều hơn. Tuy rằng việc đó có thể rất khó khăn nhưng mỗi người học sinh đều cần có sự cố gắng.
Xây dựng một góc học tập ngăn nắp đúng nghĩa sẽ tạo một cảm giác dễ chịu cho việc học tập. Sẽ thật tuyệt nếu như mọi thứ được sắp xếp ngay ngắn và chuyên nghiệp. Tác phong gọn gàng này không chỉ là một điều thúc đẩy học tập, mà còn là một điểm cộng cho bạn khi làm việc cũng như trong cuộc sống sau này.
Hãy chỉ học vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Bạn có thể quan sát bản thân, tìm khung thời gian mà bạn cảm thấy mình làm việc năng suất và tập trung nhất và chỉ học trong khoảng thời gian đã định sẵn. Với cách này, không những khả năng tập trung học tập của bạn được gia tăng đáng kể mà việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi khoa học cũng không còn là vấn đề quá đau đầu.
Không bao giờ được gây áp lực nặng nề cho bản thân. Nhiều người nghĩ rằng nếu như tạo một tinh thần năng suất cho bản thân, chúng ta có thể chăm chỉ học tập hơn. Không ai có thể thể phủ nhận được điều đó. Mặt khác, dù cho áp lực sẽ có thể ép bạn vùi mình vào sách vở, nhưng nó cũng không loại trừ khả năng trở thành một con dao giết chết tinh thần bạn bất kì lúc nào. Ngày nay, đặc biệt là ở giới trẻ, những căn bệnh về tâm lý như trầm cảm, tự kỉ cũng xuất phát rất nhiều từ áp lực và kì vọng trong việc học tập. Vì thế, hãy luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng trong việc học hành.
Bên cạnh đó, hãy tránh để những yếu tố gây xao lãng, mất tập trung như điện thoại, sách truyện hay thậm chí là cả… giường ngủ êm ái. Chính những lý do đó sẽ khiến bạn quên hết đi ý chí học hành và kiến thức còn đang chờ trên trang giấy.
Chắc chắn rằng, khi đã tìm ra được điều thú vị trong môn học, mọi sự chán nản lập tức sẽ tan biến, và con đường tới những thành tích cao sẽ rộng mở với chúng ta.
Bằng trí sáng tạo của mình, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn biết liên kết kiến thức của mình cho những lĩnh vực đời sống. Như khi tính toán đường đi, bạn có thể dựa vào những kiến thức hình học mà chọn con đường thuận tiện nhất, hay khi giữa thủ đô ồn ào khói bụi này, bạn có thể tự tay mình trồng những vườn rau nhỏ trên sân thượng dựa trên nền tảng kiến thức môn Công nghệ. Mỗi khi hiện thực hóa được một thứ kiến thức ra đời sống, chắc chắn rằng bạn sẽ càng hứng thú và muốn học nhiều hơn để làm được nhiều điều hơn nữa.
Khép lại câu chuyện…
Học tập là một con đường trải dài, thậm chí là cả một đời người. Nguồn cảm hứng trong học tập là không giới hạn, và chúng ta có nhiệm vụ là phải có được nó. Thầy cô là người định hướng đáng tin cậy, nhưng đừng bao giờ vì thế mà dồn hết sự chán nản của mình về phía họ. Hãy biểu hiện thật tốt trong giờ học, thầy cô sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn.
Có một danh nhân đã nói rằng: “ Nếu bạn không chiến đấu cho những gì bạn muốn, đừng khóc cho những gì bạn đánh mất”. Luôn nhớ rằng, đừng bao giờ bỏ cuộc trên đôi chân mình.