Tệ nạn – một thứ tưởng chừng như chỉ diễn ra trên phim ảnh, lại đang hiện hữu ngày càng nhiều trong xã hội ngày nay, để lại đằng sau ấy là các vụ việc đau thương không đáng có. Tuy rằng được coi là sinh vật thông minh, có trí tuệ bậc nhất, thế nhưng không phải ngẫu nhiên khi chúng ta được gọi là “con người”. Bởi trong đó có phần “con” đại diện cho những bản năng tự nhiên của bản thân, và phần “người” – thứ kìm hãm lại chúng ta khỏi những mong muốn cơ bản. Vậy trong một xã hội mà sự suy thoái lương tâm, đạo đức đang ngày không thể kiểm soát, tràn lan khắp mọi ngóc ngách của dòng đời, mỗi cá nhân đã sống “đúng”, dung hòa một cách chính xác hai bản thể lại với nhau?

BẢN CHẤT

Phải nhấn mạnh rằng, mỗi cá nhân không ai là hoàn hảo. Ta được sinh ra với trái tim trong sáng và thuần khiết, một trái tim vẫn còn nguyên vẹn mà chưa bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố tiêu cực nào. Thế nhưng trong quá trình phức tạp của sự trưởng thành cùng việc va chạm xã hội đã ít nhiều thay đổi đi con người chúng ta. Khi đó, con người nhận thức được cách mọi người đối xử với nhau, tốt hay xấu, thật lòng hay giả dối, chân thành hay lợi dụng. Đồng thời, họ cũng nhận thức được về cách vận hành của xã hội sẽ luôn tồn tại kẻ gian, người lành. Một khi phải tiếp xúc với các yếu tố tiêu cực như vậy, liệu nhận thức con người có còn sáng suốt trong mọi hoàn cảnh? Trái lại, nếu những ai bị ảnh hưởng và không tìm cho bản thân được một lối thoát, đó sẽ là cách gián tiếp để phần “con” trong chính họ có động cơ để chiếm lấy cả phần nhận thức tốt đẹp.

Không biết “bản năng” và “nhận thức” là gì nhỉ?

Bản năng chính là những ham muốn riêng của con người. Đó có thể là muốn ăn khi đói, hay muốn uống khi khát. Khi con người sống, hành động chỉ dựa theo bản năng thì quả thực xã hội sẽ vô cùng phức tạp. Vậy nên, ta mới cần có cả phần ý thức trong mình. Đây là những suy nghĩ, khả năng tư duy, phân định đúng sai. Hay nói cách khác, đó chính là lý trí của chính chúng ta, phần bản thể kiềm chế lại những bản năng không đúng đắn, trái lại với đạo đức xã hội.

Hai yếu tố này luôn tồn tại ở vị trí quan trọng trong mỗi chúng ta

THỰC TRẠNG

Con người dễ bị phân tâm, lạc lõng khi không cân bằng được hai yếu tố “bản năng” và “nhận thức”

Sống trong xã hội, dù biết không nên để phần “con” trong mình chiếm phần lớn, thế nhưng chúng ta cũng không thể nhận thức quyết định toàn bộ con người mình. Bởi vì nghe theo lý trí nên ta lại không thể thỏa mãn những ước muốn tự nhiên của chính mình. Không ngẫu nhiên mà ta phải đề cập đến việc dung hòa hai yếu tố. Bởi lẽ, con người khi đó mới được gọi là sống một cách hài hòa, thả lỏng bản thân nhưng vẫn biết điểm dừng của bản thân.

Thế nhưng không thể tránh khỏi những giây phút con người thiếu đi sự cân bằng giữa hai yếu tố trong cuộc sống. Đó là khi ta quá coi trọng ý thức, phải sống trong khuôn khổ chật hẹp. Đó cũng có thể là khi ta sống quá buông thả để rồi thiếu hụt những nhận thức. Làn ranh mong manh này nếu không có sự dẫn dắt kịp thời sẽ làm xã hội ngày càng nhiều người sa đà vào các tệ nạn. Bởi khi con người thiếu đi nhận thức, họ sẽ có những suy nghĩ sai lệch, không phù hợp với các chuẩn mực của xã hội.

Ta có bao giờ tự ngẫm nghĩ về chính con người mình?

Sự suy thoái đạo đức có phải như do những cá nhân trong cuộc sống này ngày càng có các quan niệm sai lệch mà dần dần tác động đến những người xung quanh hay không? Và khi chúng ta có những quan niệm lệch lạc, đôi khi những ham muốn nhất thời lại được ưu tiên, từ đó mà hành động và suy nghĩ của bản thân ta lại dễ nhầm đường lạc lối. Vì vậy khi đó, nghiễm nhiên con người bản năng đã “chiến thắng”.

HỆ LỤY

Quả thực, sự mong manh giữa bản năng và nhận thức trong mỗi con người rất dễ bị phá vỡ vì những suy nghĩ nhất thời, vì những tư tưởng được truyền bá sai trái. Điều này nếu tiếp tục diễn ra không những gây ra những hệ lụy đáng tiếc cho một thế hệ trẻ, mà nó còn trở thành một vấn đề của toàn xã hội. Lý trí giúp con người nhận định được vấn đề cũng như giải quyết mọi việc một cách rõ ràng, nhưng quá lý trí thì sẽ trở nên khô khan, cứng nhắc. Bên cạnh đó, nếu để mất sự kiểm soát của bản năng, ta sẽ mất đi sự lý trí của chính mình. Bản thân sẽ hành động một cách thiếu suy nghĩ, sống đề cao mong muốn của bản thân mà không có sự trau dồi học hỏi, không tiếp thu những lời khuyên từ mọi người. Đó còn là hệ lụy cho việc ta sẽ sống một cách nông cạn, không có sự trải nghiệm và cầu tiến. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của mình, của xã hội mà là còn của nền văn hóa đất nước. 

Chúng ta dễ cảm thấy bế tắc vì không biết chọn “con tim” hay nghe theo “lý trí”

Đáng tiếc, không phải ai cũng nhận ra những hậu quả đáng tiếc của vấn đề này. Đó là sự chênh lệch về trình độ nhận thức giữa con người trong xã hội. Đó là khi có cá nhân thì sống bằng nhận thức quá cứng nhắc, khi lại có cá nhân để phần “con” trỗi dậy mà quên đi phần “người” của mình. Nếu coi việc sống bằng nhận thức luôn đúng, có ai đã từng nghĩ tới một xã hội đầy rẫy sự khắt khe, nơi con người buộc phải tuân theo mà không có những giây phút thả lỏng, nghỉ ngơi chưa? Khi ấy, xã hội có thực sự còn đáng sống hay không?

Con người “trí tuệ” có luôn phù hợp trong mọi hoàn cảnh?

GIẢI PHÁP

Tích cực học hỏi và rèn luyện bản thân để sống tốt đẹp hơn

Nhìn nhận sâu sắc các tệ nạn xã hội để rút ra bài học bổ ích cho bản thân sẽ là nhiệm vụ cấp thiết của mỗi chúng ta để nâng cao tri thức cũng như giúp xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta luôn được dạy phải suy nghĩ rồi mới hành động, phải hết sức cẩn trọng trong mọi tình huống, ta phải suy nghĩ, xem xét mình nên làm gì để phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau. Dẫu thế, con người không thể hoàn hảo tuyệt đối, và bản thân ta không thể quá quy tắc chuẩn mực. Vậy nên ta cần phải học cách dung hòa mềm mại giữa hai yếu tố này trong bản thân mình. Cần phải học cách để cho hai phần “con” và “người” được cùng tồn tại với nhau một cách hợp lý, để ta sống một cách đạo đức, nhân văn, sống có ích cho chính mình và cho cuộc đời này.

Hãy sáng suốt để làm hài hòa hai phần con người này trong bản thân mình nhé

Thế giới ngày nay tuy rằng còn ẩn chứa rất nhiều vấn đề nhức nhối, ta cũng nên tin vào một tương lai tốt đẹp, tin vào những con người sẽ sống cân bằng, biết sửa đổi những lỗi sai, biết phát triển những điểm tốt. Và hơn hết, hãy tin vào bản thân, tự nhắc chính mình sống sao cho đúng, cho hài hòa giữa hai yếu tố nhận thức và bản năng. Bởi lẽ con người xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ – chúng ta ngày hôm nay, sẽ là tương lai của đất nước, cho văn hóa của quê hương mà còn là tiên phong cho những giá trị đạo đức ý nghĩa, tốt đẹp.