Cùng với những bước chạy hối hả của xã hội, cụm từ “lối sống nhanh, sống vội” không còn quá xa lạ với mọi người, đặc biệt ở giới trẻ. Giữa dòng người vội vã, chúng ta luôn phải giữ trạng thái “sạc đầy pin”, năng động và chăm chỉ để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu và công việc hàng ngày. Dần dần, việc để ý đến những người xung quanh, quây quần cùng gia đình hay chỉ đơn giản là chăm sóc bản thân cũng là những thứ gì đó vô cùng khó khăn. Phải chăng chúng ta đã quá mải mê chạy đua với thời gian mà chẳng còn tha thiết bận tâm đến những điều đơn giản ở ngay bên cạnh ta nữa?
Sự bon chen giữa dòng đời xô bồ
“Bạn có từng một lần dừng lại trước sự hối hả của dòng đời để thấy được mình đã bỏ lỡ những gì?”
“Bạn dành bao lâu cho những thứ xung quanh bạn như gia đình, bạn bè?”
Có lẽ đối với một số người, những câu hỏi vô tri này không thể nói lên được điều gì về cách sống của họ. Nhưng khi thật sự phải đưa ra một câu trả lời, đa số chúng ta đều sẽ bất giác nhận ra rằng: “À, hình như mình đang sống vội thật…”
Khi còn nhỏ, chúng ta là những đứa trẻ hồn nhiên với những suy nghĩ đáng yêu và vô tư biết mấy. Đứa trẻ ấy đã không ít lần tự hỏi tại sao người lớn lại phải gồng mình tất bật với những công việc hàng ngày, luôn chân luôn tay chạy theo những kế hoạch tương lai và vô vàn những khát vọng to lớn phía trước.
Mãi cho đến khi lớn lên, chúng ta mới ngầm hiểu rằng, hóa ra trong cuộc sống này vẫn luôn tồn tại những áp lực vô hình. Áp lực đồng trang lứa, áp lực gia đình hay áp lực đến từ bên ngoài xã hội, chúng chưa từng kết thúc và sẽ chẳng bao giờ mất đi; chúng liên tục bủa vây tâm trí khiến ta không thể cho phép bản thân dừng lại dù chỉ một giây. Bởi nếu không đạt được những gì người đời mong đợi, ta sẽ nhận lại những lời so sánh thậm tệ hay những câu mỉa mai trách móc. Với nhiều người, những lời nói ấy như phủ nhận đi mọi nỗ lực mà họ đã dốc sức bỏ ra; hơn thế nữa là động chạm đến lòng tự trọng của họ. Hay nói theo một cách khác, chúng bao trùm lên con người ta một loại cảm giác khó chịu, tự ti, bất an, lo sợ và tự oán trách chính mình. Bởi lẽ đó, khi đặt lên bàn cân so sánh, ta thường có xu hướng chọn lối sống vội vã, không ngừng nghỉ để “đạt KPI” mà người đời “vô tình” áp đặt lên bản thân thay vì chọn một lối sống thong thả hơn để rồi sẽ phải nhận về những lời chê trách.
Đặc biệt với thế hệ gen Z, hầu hết chúng ta đều là những người trẻ tuổi có tham vọng cao và là những người chấp nhận đương đầu với thử thách, rủi ro lớn để đạt được mong muốn, khát vọng của bản thân – thứ mang lại cho ta cảm giác thành tựu. Do vậy, thật không khó để bắt gặp những bạn trẻ ngày nay luôn trong trạng thái “sống vội”, hối hả đi tìm kiếm cảm giác thành công khi gồng mình đuổi theo những dự định, kế hoạch riêng của bản thân.
Sống vội để đổi lấy thành công?
Cũng không thể phủ nhận rằng, lối sống vội sẽ đưa chúng ta đi qua nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Bởi cuộc sống mỗi người rất ngắn ngủi, nếu cứ thong thả tận hưởng thì ta sẽ chẳng còn cơ hội đặt chân tới những vùng đất, lĩnh vực mới hay thử sức với những gì ta chưa từng được làm trước đó. Thật không ngoa khi nói rằng Vũ Trọng Phụng – “Ông vua phóng sự đất Bắc” là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của phong cách “sống vội” khi trong 9 năm sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 7 vở kịch, 1 vở dịch của Victor Hugo, hàng trăm bài báo và tranh luận phê bình văn học.
Tuy nhiên, có người đã từng nói: “Ở đời, cái gì cũng có cái giá của nó”. Thật vậy, cùng với kho tàng tác phẩm nổi tiếng của mình, Vũ Trọng Phụng đã trải qua một cuộc sống vô cùng hối hả, làm việc lao lực cùng áp lực cơm áo gạo tiền khi phải chăm sóc bà nội và mẹ già. Bởi vậy, ông đã mắc căn bệnh lao phổi – một căn bệnh nguy hiểm vào thời đó và ra đi vào năm 1939 khi chỉ mới 27 tuổi – độ tuổi đẹp nhất của đời người.
Quay lại câu chuyện “sống vội”, từ ví dụ trên, không khó để nhận ra rằng, lối sống hối hả này sẽ dần dần đưa sức khoẻ của chúng ta vào một vòng xoáy, để rồi khi cảm thấy đã đến lúc cần được nghỉ ngơi thì ta mới nhận ra mình đã bào mòn sức khoẻ của bản thân như thế nào. Đến lúc đó, bản thân chúng ta mới thấu hiểu được ý nghĩa của câu nói “Không có sức khỏe, nhiều tiền để làm gì?”
Lối sống gấp gáp khiến con người ta vô tình đánh mất đi sự nhiệt huyết đáng có, đánh mất sự tò mò về thế giới xung quanh và chẳng màng đến những ước mơ vô tư của tuổi trẻ. Những cô bé, cậu bé hồn nhiên, vô lo với bao sự tò mò giờ đã trở thành những chàng trai, cô gái luôn tất bật cuốn vào vòng lặp tẻ nhạt không sức sống. Bản thân ta vội đến, vội đi, vội tìm kiếm nhưng lại chẳng biết ta đang tìm kiếm thứ gì, vội đến mức vô tâm với chính mình. Để rồi về sau, những gì ta nhận lại là khoảng trống vô cùng lớn trong tâm hồn.
Không chỉ thể, khi sống vội, chính những người trẻ như chúng ta đang dần đánh mất đi những cơ hội gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ với những người thân thiết nhất. Bạn bè, người thân là những người cũng vô cùng quan trọng với cuộc sống mỗi người; không có họ, ta sẽ chẳng còn nơi để dựa vào những lúc áp lực đè nặng lên đôi vai. Nếu ta cứ mải mê chạy theo cuộc sống mà mình mơ ước, nhưng lại vô tình bỏ quên người thân, bạn bè, thì rồi khi cuộc sống đã đủ đầy, ngoảnh đầu tìm lại những người thân yêu, ta mới giật mình nhận ra rằng, hóa ra mình đã đi xa đến vậy, nên giờ chẳng còn ai bên cạnh nữa rồi…..
Lối thoát
Thật khó để có thể khiến một người đang ở trạng thái chạy xô với dòng đời tất bật lại thay đổi 180 độ để trở nên thong thả, chậm rãi. Tuy nhiên, dẫu “không có gì là hoàn toàn cả” nhưng “không có gì là không thay đổi được”. Bạn đang chạy rất nhanh, không thể ngay lập tức dừng lại, nhưng bạn vẫn có thể giảm tốc độ. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể “sống chậm” lại một chút nhỉ?
1, Quan sát
Hãy dừng lại và ngẩng đầu lên, để ý những chi tiết xung quanh bạn. Khi đó, bạn mới hiểu được bạn đã bỏ lỡ những gì trong cuộc sống, mới biết được thực ra xung quanh bạn vốn đã có vô vàn điều tốt đẹp rồi. Quan trọng nhất, bạn sẽ nhận ra rằng “Nếu bản thân không sống chậm hơn, thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ thấy được những điều nhỏ bé tốt đẹp xung quanh cả”.
2, Quản lý quỹ thời gian
Bản thân mỗi người chúng ta mỗi ngày chỉ có chung 1 quỹ thời gian là 24 giờ để hoàn thành được nhiều mục tiêu nhất cho bản thân. Do đó, mọi người thường sẽ lựa chọn bỏ qua những quãng nghỉ ngơi để cố gắng vượt qua KPI của mình và tự nhủ rằng ngày mai mình sẽ cân bằng lại. Trên thực tế, sau khi làm xong việc đầu tiên, chúng ta sẽ có xu hướng tiếp tục hoàn thành những phần việc khác… để rồi về sau, khi đã trở thành một thói quen, việc yêu cầu bản thân từ bỏ đi thói quen đấy sẽ là một cản trở lớn. Vì vậy, khi muốn sống chậm lại, mỗi chúng ta cần phải có cho mình một thời gian biểu hợp lí và một thái độ nghiêm khắc với bản thân để cân bằng lại cuộc sống.
3, Dành thời gian cho gia đình, bạn bè
Sống vội đồng nghĩa với việc khả năng cao bản thân ta không có thời gian cho những người thân xung quanh mà mải chạy theo những sự xô bồ, hối hả của cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta lại không dành thời gian cho gia đình, bạn bè để gắn kết lại với họ khi muốn “chuyển đổi trạng thái”, để tận hưởng cảm giác ấm áp sum vầy trong vòng tay của chính những người thân yêu?
4, Yêu bản thân
Hãy nhìn lại bản thân mình xem sau một khoảng thời gian hối hả theo dòng đời, chúng ta còn lại gì? Bản thân ta cảm thấy tâm hồn của mình còn khoảng trống nào cho những sở thích, niềm đam mê mà ta từng nhiệt huyết nhưng cuộc sống gấp gáp đã thay thế đi không? Nếu câu trả lời là “Không”, hãy nghỉ ngơi một chút để tìm lại những gì ta đã đánh mất, đi tìm lại nhiệt huyết, sự vô tư trong chúng ta của ngày xưa. Hãy chiều chuộng và yêu thương bản thân mình nhiều hơn, bạn nhé!
Cuộc sống này luôn là một chuỗi những ngày luôn không ngừng đổi thay, đòi hỏi con người chúng ta luôn phải chạy theo và thích ứng để bắt kịp với mọi người xung quanh. Trên con đường ấy, chúng ta có thể vô tình đánh mất đi sự cân bằng trong cuộc sống, hối hả với những công việc không có điểm dừng. Tuy nhiên, đừng để bản thân bị cuốn vào dòng chảy bất tận không lối thoát, cũng đừng mải mê đuổi theo những đường chạy dài chẳng thấy đích đến. Hãy dừng lại một chút để biết ta đang ở đâu, để thấy ta đang trong trạng thái nào, để hiểu chính mình, yêu cuộc sống và trân quý từng giây phút được nghỉ ngơi.