Ngày nay, trong thế giới ảo – nơi ngập ngụa trong những tin tức mới, mối quan hệ mới, người ta vẫn thường bắt gặp những ‘hồn ma’ vất vưởng thoát ẩn thoát hiện trên bong bóng chat. Họ là những kẻ sẽ đột nhiên biến mất, không một dấu tích, lơ đẹp mọi cố gắng liên lạc lại của bạn. Những hành động này được dùng như một ví dụ để chỉ trích sự thiếu trách nhiệm và ý thức của các ‘ghoster’. Thế nhưng liệu những câu chuyện bỏ ngỏ này có chỉ đơn giản như vậy, như ngọn đỉnh của tảng băng trôi, liệu bên dưới mặt nước kia có ẩn vô số các khiếm khuyết tinh thần và bất an của người trong cuộc mà chúng ta không hề hay biết? Cùng bóc tách vấn đề này, hôm nay CNH Spotlight sẽ đem đến cho các bạn bài viết ‘Ghosting và những câu chuyện bỏ ngỏ’

Thế nào là một ghoster?

Có bao giờ trong một cuộc nói chuyện tin nhắn vui vẻ, bạn bắt gặp người kia đột ngột biến mất trên nền tảng xã hội? Sự mất tích khó chịu này có thể kéo dài vài giờ đầu hoặc thậm chí lâu hơn, không khỏi khiến cho người khác cảm thấy hoang mang. Như một ‘bóng ma’ thoắt ẩn thoắt hiện, hiện tượng này dần phổ biến hơn trong các mối quan hệ qua mạng, hình thành cho mình một thuật ngữ lóng riêng mang tên “ghosting”. 

Tại sao lại ghost?  

Có vô số lý do thúc đẩy một người biến mất khỏi cuộc trò chuyện không rõ nguyên do. 

Để trốn tránh. Trốn tránh công việc chưa hoàn thành, trốn tránh một mối quan hệ khó xử đều có thể là một đòn bẩy mạnh mẽ làm cho người ta sợ hãi mà thoát khỏi cuộc trò chuyện. Phản ứng tự vệ trước áp lực của con người vốn dĩ là bỏ chạy, và trên không gian mạng lại càng dễ dàng hơn khi chỉ với một lần tắt thông báo. Bao giờ việc ‘mất tích’ cũng dễ dàng hơn là cố gắng duy trì những cuộc trò chuyện ngượng nghịu hay tra hỏi. 

Ghosting làm đối phương chờ đợi trong vô vông

Để hồi đáp. Bất ngờ ở chỗ là, đôi khi im lặng lại là một câu trả lời trong một mối quan hệ. Cho dù đây là cách diễn đạt thô lỗ, ghosting người khác là một kiểu trả lời dễ dàng và đơn giản nhất. 

Cựu trưởng chương trình trị liệu tâm lý của Trung tâm Y tế Los Angeles tại Mỹ, ông Vilhauer, cho rằng: “Việc ghosting liên quan nhiều đến mức độ thoải mái của ai đó và cách họ đối phó với cảm xúc của mình. Có rất nhiều người dự cảm mối quan hệ này sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực. Họ ghosting để tránh những điều đó xảy ra.” 

Cho dù bạn bị ngó lơ thì cũng đừng vội buồn, bởi vì trong vài trường hợp đối phương có thể không thực sự muốn lơ bạn. Có vô số biến cố xảy ra trong cuộc đời mỗi người, một cuộc trò chuyện bị bỏ ngỏ chẳng nói lên được gì hết. Thay vào đó, bạn hãy kiên nhẫn lắng nghe và chia sẻ nếu thấy người kia gặp vấn đề trong cuộc sống.

Liệu ghost có phải là lựa chọn đúng? 

Liệu ghosting có nên là một lựa chọn trong mọi trường hợp?

Một cuộc trò chuyện không an toàn, độc hại, khiến cho đối phương cảm thấy bất an; hay cuộc tranh cãi dai dẳng, cố chấp lại vô nghĩa, không có hồi kết mặc cho bao nỗ lực làm hòa; thì ghosting lại không phải lựa chọn tồi để không làm tốn thời gian cả hai bên. 

Thế nhưng bên cạnh đó lại không thiếu những người lạm dụng hành vi này một cách không cần thiết, không chỉ làm tổn thương gây khó chịu tới đối phương, mà còn ảnh hưởng đến bản thân. Những người ngó lơ người khác vô tình làm mai một kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống của bản thân. Những ghosters sẽ lui mình dần về vòng an toàn, sẵn sàng lùi bước một khi họ cảm thấy chán nản, không thoải mái. Dần dà tạo nên tinh thần thiếu trách nhiệm, gây ấn tượng với đối phương là một người không đáng tin cậy cả trong công việc và tình cảm.

Vậy ta có thể thấy ghosting không nên và cũng không phải là một giải pháp tối ưu và đúng đắn. Trong đa số tình huống, chúng ta nên chọn cách xử lý rõ ràng và tử tế hơn, ổn thoả cả đôi bên.

Làm gì khi bị ghost? Cách vượt qua.

Vượt qua nỗi mất mát chẳng bao giờ dễ dàng, nhất là khi nó lại là sự vô tâm đến từ những người mình thân thiết, ghosting có thể gây ra vết thương lòng trong nạn nhân, như những vết cắt, họ có thể cảm thấy bị bỏ rơi, dằn vặt liệu đây có phải lỗi do mình. Đôi lúc một số người lại cảm thấy ảnh hưởng sâu sắc đến lòng tự trọng của bản thân. 

Đặc biệt, hành động ghosting trong không gian ảo ngày nay lại càng trở nên dễ dàng hơn nhiều và để bảo vệ bản thân khỏi tổn thương tinh thần, chúng mình muốn đề xuất với bạn đọc một vài biện pháp bảo vệ bản thân khi bị ghost

Đặt thời hạn. Đặt rõ một ranh giới, một thời hạn tối đa trả lời có thể là một cách hay. Cho dù điều này có vẻ khắc nghiệt nhưng sẽ phần nào giúp bạn thoát khỏi cảm giác thấp thỏm đợi chờ.

Dành thời gian cho người xứng đáng hơn. Những ghoster thường không trân trọng mối quan hệ hoặc không trân trọng chính nạn nhân, có thể làm nạn nhân tổn thương bằng cách này hay cách khác. Dành thời gian cho những người trân trọng bạn có thể giúp bạn thoát khỏi vũng lầy cảm xúc tiêu cực kia.

Đừng cảm thấy có lỗi. Bản thân hành vi ghosting người khác một cách tiêu cực là hành vi trẻ con, thiếu trách nhiệm. Bạn bị ghost không nói lên được bạn là người như thế nào, nhưng sẽ phần nào phản chiếu lên một góc nhân phẩm của người ghost bạn.

Tìm đến tư vấn tâm lý. Khi sự việc đi quá xa và bạn cảm thấy tâm lý bản thân trở nên phức tạp, rối rắm hay thậm chí là tổn thương, đừng ngại quay số liên hệ với những người có nghiệp vụ tư vấn tâm lý. Họ sẽ giải đáp những trăn trở khúc mắc trong bạn và giúp tâm lý bạn rõ ràng, mạnh mẽ hơn.

Ghosting trong mối quan hệ

Theo dòng chảy phát triển của các trang mạng xã hội, ghosting đã dần dà trở nên phổ biến hơn, nhưng cũng đừng vì thế mà chúng ta bình thường hóa những hành vi độc hại này. Có rất nhiều cách để hồi đáp cũng như kết thúc một mối quan hệ trong tốt đẹp và sự tử tế. Đừng quên rằng: người khác đối xử với bạn như thế nào chính là tấm gương phản chiếu lại hành vi đối xử của bạn như thế ấy.