– Nhìn lên chiếc bảng này đi, anh cho em 15 giây để ghi nhớ những từ trên này nhé!

– Đã hết thời gian rồi, em hãy cho anh biết những từ em nhớ được nào!

– Bóng ma, chết chóc và ngôi mộ ạ.

Ngày ấy, tôi có cơ hội được thực tập tại viện phúc lợi A. Công việc cũng như mọi thứ đều rất bình thường cho đến khi có sự xuất hiện của em. Thoạt đầu ai cũng cho rằng “Một người như em tại sao lại đến khoa mình nhỉ?”. Cho đến khi làm bài kiểm tra phản ứng từ vựng ấy – bài kiểm tra định mệnh, em đã khiến chúng tôi bất ngờ khi tất cả những từ vựng em nhớ được chỉ toàn từ tiêu cực, dù cho một nửa số từ vựng trên bảng là tích cực. Sau đó, chúng tôi quyết định cho em làm bài kiểm tra tâm lý và một lần nữa, chúng tôi rơi vào trạng thái trầm tư khi nhận về kết quả trầm cảm nặng. Tuy nhiên, đối diện với kết quả này, em vẫn tỏ vẻ lạc quan, yêu đời như chưa hề có chuyện gì xảy ra, thậm chí còn khen chúng tôi rất tốt, mang đến cho em một cảm giác rất gần gũi và thân thiện. Nhận ra vấn đề của em, tôi đã quyết định hẹn gặp em vào tuần sau để có thể làm lại các bài kiểm tra và dặn em mang theo cuốn nhật ký của mình. 

Bài kiểm tra định mệnh – chứng trầm cảm cười

Một tuần sau, em đến như những gì tôi đã hẹn trước đó. Xuyên suốt các lần kiểm tra, em vẫn như thế, luôn nở một nụ cười tươi, nụ cười tiêu chuẩn. Tranh thủ lúc ấy, tôi đã đọc quyển nhật ký của em. Mở trang đầu tiên, đập vào mắt tôi là những dòng chữ tuy nắn nót nhưng lại chứa đựng bí mật to lớn khiến tôi phải bàng hoàng.

 “Bố lại đánh mẹ nữa rồi. Mẹ cũng bảo hai người sẽ ly hôn nếu không có mình. Thật sự, mỗi khi nhìn thấy họ cãi nhau, mình rất mệt, đầu óc như muốn choáng đi, mình chỉ muốn gào thét, kêu họ dừng lại nhưng thật sự quá mệt, quá mệt để bảo họ dừng lại.”

“Không biết từ bao giờ mình đã chẳng quan tâm đến chuyện này nữa. Nhìn thấy họ cãi nhau mình cũng chỉ ơ thờ lướt ngang qua, mặc định đó là điều hiển nhiên bình thường. Sao lại thế nhỉ, rõ ràng hồi trước mình đâu có thế?”

Cuốn nhật ký ấy đã nói cho tôi nghe những bí mật mà em vẫn luôn cố chôn vùi, từ các các vấn đề xã hội, áp lực trường học đến bạo lực gia đình, tất cả đều bủa vây xung quanh em bấy lâu nay

Ngày viết dòng tâm sự đã là vào một năm trước, nghĩa là em đã phải chịu đựng chuyện này suốt hơn một năm trời. Đọc tiếp những trang sau, tôi để ý thấy khi em thử mở lòng tâm sự với bạn bè của mình thì câu trả lời em nhận lại được chỉ là…

 “Ai mà chả buồn, đâu phải mỗi cậu đâu. Nỗi buồn của cậu làm sao có thể sánh được với của bố mẹ, người lớn được. Chừng nào họ vẫn còn cười được thì việc gì cậu phải buồn? Chỉ cần cười tươi là nỗi buồn sẽ qua thôi!”

Trái tim tôi bỗng nghẹn lại, một cảm giác khó tả bỗng ập đến, tôi muốn nói gì đó với em, nhưng ngẫm lại, cảm thấy vẫn là không nên nói sẽ tốt hơn. 

“Mình thật sự cảm thấy rất mệt khi phải cười. Nhưng có lẽ sẽ ổn thôi.”

Tôi kể chuyện này với đồng nghiệp, tất cả chúng tôi đều trầm tư và suy nghĩ về câu nói ấy…

“Chỉ cần cười tươi là nỗi buồn sẽ qua thôi!”

Vì vậy, tôi đã gọi em quay trở lại phòng, hỏi:

– Em có nghĩ rằng khi mình cười, nỗi đau sẽ tan biến đi không?

Em ngước mắt nhìn tôi, cười nhẹ.

– Thực ra, khi thử cười lần đầu, bản thân em không cảm thấy vui hơn tẹo nào, em vẫn khóc, khóc không thể nào dứt, thậm chí còn cảm thấy sự gượng ép ấy thật tệ….Thật sự lúc đấy em chỉ muốn bản thân mình như chưa từng nghe, từng biết gì cả, nhưng không thể…

Em im lặng một hồi, rồi nói tiếp.

– Về sau, em nhận ra là, có lẽ, mình cứ thử diễn đi, làm bản thân cười đi, cười như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy. Chắc có lẽ sẽ tốt hơn, ít nhất là với bố mẹ và bạn bè em ạ.

Em ấy vẫn nói, giọng điệu như không có chuyện gì xảy ra khiến tôi nhận ra rằng, xã hội này đã quá tàn nhẫn với em, biến em từ một đứa trẻ luôn thể hiện cảm xúc của mình ra ngoài thành một con người hoàn toàn khác, dù đau, dù buồn, dù bực hay thế nào đi chăng nữa, em cũng chỉ luôn nở một nụ cười, một nụ cười tiêu chuẩn đầy chết chóc. Ngồi nói chuyện với em thêm một lúc, tôi đã để em đi về, hẹn hàng tuần sẽ gặp để giúp em điều trị tâm lý. 

Hóa ra cuộc sống của em vẫn luôn đối xử với em tệ đến thế

Từ sau hôm ấy, hàng tuần, em đều đến gặp tôi, tôi cùng em trải qua những tháng ngày điều trị tâm lý, nỗ lực đưa em về với những gì vốn có của em. Cho đến nửa năm sau, khi tôi sắp kết thúc kỳ thực tập của mình, tôi đã hẹn em một buổi ngồi nói chuyện riêng. Em của lúc này không còn cười nữa, không còn nụ cười tiêu chuẩn của đám bạn em chỉ cho nữa. Tuy rằng liệu trình của em vẫn chưa kết thúc nhưng suốt hơn nửa năm cùng em, tôi biết để có thể được như ngày hôm nay, em đã phải trải qua những điều quá to lớn và kiên trì chịu đựng chúng đến thế nào.

Em kể với tôi rằng em nhớ hình ảnh ngày xưa của em – một thiếu nữ mới lớn vô cùng hoạt bát, đáng yêu. Em cũng từng biết khóc khi buồn, cũng biết giận dỗi khi không vui, cũng muốn chia sẻ những câu chuyện thú vị của em với mọi người. Nhưng giờ em lại chỉ biết im lặng, và cười, chỉ thế thôi. Nhìn vào đôi mắt em, tôi đã hiểu, hóa ra một người luôn mang vẻ ngoài lạc quan, trong lòng lại nhiều tâm sự đến thế. 

Ánh nắng của buổi chiều tà đã nhuốm màu thành phố nhỏ, và đó cũng là lúc tôi phải nói lời tạm biệt với em. 

“Giờ em vẫn còn ở độ tuổi muốn khóc thì khóc, muốn buồn thì buồn, không được ép bản thân phải luôn luôn tỏ ra là mình ổn như thế. Đợi khi em lớn rồi, em sẽ thấy em vẫn phải mạnh mẽ dù cuộc sống sẽ đặt vô vàn gánh nặng lên đôi vai em, nhưng không phải bây giờ. Đó không phải là em, không phải con người thật của em, không phải những gì em muốn. Em không thể coi vấn đề tâm lý của mình là một nụ cười được, không thể lúc nào cũng gượng gạo nở một nụ cười tiêu chuẩn dù em không hề vui về điều đó được. Em cần quan tâm cảm xúc của mình hơn bất cứ ai khác, nghe chưa!”

Sau cùng, tôi cũng đủ can đảm để nói ra những lời cuối, điều mà tôi vẫn luôn muốn em nghe

Em bật khóc. Lần đầu tiên tôi được thấy những giọt nước mắt thật của em, những giọt nước mắt mà đáng lẽ độ tuổi của em cần phải có thay vì lúc nào cũng cười nhưng trong lòng thì lại không hề hạnh phúc. 

Kết thúc kỳ thực tập, tôi đã hết nhiệm vụ điều trị tâm lý cho em. Lâu dần, tôi cũng không còn thời gian liên lạc với em nữa, cũng chẳng biết giờ em ra sao, hay đã ổn hơn chưa. Nhưng trải nghiệm ấy đã để lại trong tôi những cảm xúc khó quên. Sau lần đó, mỗi khi thấy nụ cười của người xung quanh, tôi luôn tự hỏi liệu đó có thật sự là một nụ cười tự nhiên, hay chỉ là một nụ cười vô tri để giấu đi những cảm xúc trong lòng? 

Cười chưa bao giờ là sai, nụ cười càng không có lỗi, nhưng xin đừng biến nụ cười trở thành “khiên chắn” cho những cảm xúc thật của bản thân, bạn nhé! Bởi vì bạn xứng đáng được sống trong chính con người thật của mình, và bạn không có nghĩa vụ phải làm hài lòng người khác bằng những điều bạn không muốn, đó mới chính là bạn!